(Kiến Thức) - Ăn trầu là thói quen, nét đẹp văn hóa ở Việt Nam và các nước châu Á. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng.
Lê Nguyệt
Xem toàn bộ ảnh
Để có được màu đỏ tươi mỗi khi ăn, trầu được kết hợp từ lá trầu têm thành miếng, cau và vôi. Một số nơi còn ăn kèm thêm với thuốc lá.
Song thói quen này có thể khiến niêm mạc trong miệng bị tổn thương nghiêm trọng. Nguyên nhân của vấn đề là khi nhai, miếng trầu sẽ cọ xát mạnh vào niêm mạc, gây tróc vảy ở lớp thượng bì hoặc tạo nhiều vết trợt.
Những vết thương trên có màu đỏ sáng, khi lau sạch có thể thấy lộ đốm vàng. Ngoài ra, ăn trầu còn gây các tổn thương tiền ung thư khác như bạch sản và xơ hóa dưới niêm mạc miệng.
Nó càng trở nên nghiêm trọng hơn trong trường hợp người ăn có thói quen nhai cau mà không kèm trầu.
Năm 1993, Van Wyk (Đài Loan) và những cộng sự của mình đã khẳng định chất arecoline và arecaodine tồn tại trong cau có thể gây ra những biến đổi trên DNA. Thêm vào đó, cau làm tăng tần số trao đổi giữa các sister chromatid cùng cặp và gây lệch lạc nhiễm sắc thể trong tế bào lympho của máu ngoại biên cũng như các tế bào có nhân nhỏ trong số các tế bào sừng bong ra khỏi niêm mạc miệng.
Các chất nghiền ra từ trái cau cũng kích thích sự tổng hợp collagen và điều này có thể giải thích cho tổn thương xơ hoá dưới niêm mạc của những người ăn trầu lâu năm.
Bên cạnh đó, việc nhai trầu cả ngày cũng mang lại những vấn đề không mong muốn như răng ố vàng, chân răng bị bao phủ bởi lớp nước bọt màu đỏ còn sót lại mỗi khi nhổ bã.
Thống kê của Cục xúc tiến Y tế Đài Loan (Bureau of Health Promotion) cho biết, 90% các trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư miệng ở nước này có liên quan đến tục ăn trầu.
Con số thống kê từ năm 2008 đến 2010 của Bộ Y tế cũng tiết lộ ung thư miệng đứng thứ tư trong mười căn bệnh ung thư gây tử vong ở nam giới. Khoảng 6.000 trường hợp được chẩn đoán ung thư miệng ở Đài Loan mỗi năm.