Người Nhật không thể không có cá ngừ. Với quốc gia này, thiếu kuromaguro (sushi làm từ cá ngừ Nhật Bản) chẳng khác nào nước Mỹ không có xúc xích, không bánh kẹp, hay sinh nhật thiếu bánh gato.
The Independent thống kê, mỗi năm, người Nhật tiêu thụ khoảng 3/4 lượng cá ngừ vây xanh khai thác được trên thế giới, và 80% lượng cá ngừ đánh bắt từ Địa Trung Hải sẽ kết thúc số phận của chúng trên bàn ăn ở xứ sở hoa anh đào.
Trước những năm 1960, chỉ Mỹ và Nhật đánh bắt loại cá này. Ở Mỹ, cá ngừ khi đó được dùng làm thức ăn cho mèo, còn người Nhật cho rằng đây là loại thịt thấp cấp, phế phẩm, vì chúng có vị nhạt nhẽo và đầy mỡ. Mỗi thuyền đi biển, người dân có thể có thể câu được nửa tá cá ngừ một ngày nhưng phải bán tới 4 con mới đủ tiền mua một bao thuốc lá.
Mọi chuyện đổi khác vào thập niên 1980, khi cá ngừ vây xanh dần được dùng làm nguyên liệu cho món sushi, và trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, tạo nên ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD cho Nhật.
Với nhu cầu ngày càng tăng, cá ngừ trở thành mục tiêu của những chuyến đi biển dài ngày của ngư dân khu vực Thái Bình Dương, Địa Trung Hải. Việc đánh bắt quá mức với niềm tin "đây là nguồn lợi không bao giờ cạn" đã đẩy trữ lượng cá ngừ toàn cầu giảm 60% trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2007.
Người mua kiểm tra chất lượng những con cá ngừ đông lạnh trước phiên đấu giá đầu năm ở chợ cá Tsukiji, Tokyo, Nhật Bản vào ngày 5/1/2015. Ảnh: AP. |
Năm 2013, một con cá ngừ đã đạt mức giá kỷ lục là gần 2 triệu USD nhưng không ai hiểu vì sao giá cá lại ngày một cao như thế, đắt hơn nhiều lần so với thời điểm 5 năm trước. Chất lượng hảo hạng nhờ quy trình đánh bắt, bảo quản cực kỳ khắt khe không làm nên mức giá hàng triệu USD cho cá ngừ Nhật Bản.
Thực tế, đây là cuộc đua giữa những người mua, những ông chủ nhà hàng muốn tạo lập danh tiếng trong buổi đấu giá đầu tiên của năm tại chợ cá lớn nhất thế giới Tsukiji (Tokyo).
Kiyoshi Kimura, chủ sở hữu của một chuỗi nhà hàng sushi của Nhật Bản, đã trả mức giá không tưởng này cho cá ngừ vây xanh đầu tiên tại Tsukiji, nặng 222 kg. Với mức giá này, một suất cá ngừ tại nhà hàng của Kimura phải có giá tối thiểu là 345 USD thì mới hòa vốn. Thế nhưng, nhà hàng này chỉ bán giá 4,6 USD, và chịu lỗ nặng.
Nhưng điều đó không làm ông Kimira phiền lòng. Ngay trong ngày bán đấu giá, hàng trăm tờ báo, trang tin nói về chiến thắng của ông, về mức giá "khủng" của con cá. Nhà hàng của vị doanh nhân này nhanh chóng nổi tiếng trên toàn thế giới.
Năm 2014, Kiyoshi Kimura tiếp tục thắng phiên đấu giá cá ngừ đầu tiên trong năm tại chợ cá lớn nhất thế giới, nhưng chỉ phải trả 70.000 USD để mang về con cá nặng 230 kg. Đến năm 2015, số tiền ông bỏ ra cho con cá đắt nhất được bán tại đây chỉ còn 37.500 USD.
Giảm giá, bị áp hạn ngạch khai thác chỉ 14.200 tấn mỗi năm, cá ngừ Nhật Bản dường như đã tìm lại được giá trị thực của mình trong nỗ lực hạ nhiệt thị trường của Chính phủ. Không còn giá cao ngất ngưởng, cá ngừ vây xanh Nhật có thể tránh được nguy cơ tuyệt chủng do bị tận diệt và bảo đảm tương lai bền vững cho những người làm nghề đánh bắt cá ở quốc đảo này.
Tuy nhiên, với nhiều ngư dân, nỗ lực này dường như đã muộn. Akihiro Furukawa, một ngư dân với kinh nghiệm 13 năm đánh bắt cá ngừ đại dương từng chia sẻ với The Guardian rằng ông lo cho tương lai của người con sắp nối nghiệp mình. "Con trai muốn theo bước chân của tôi, nhưng tôi lo rằng đến khi nó có đủ kinh nghiệm đi biển thì chẳng còn cá ngừ để bắt nữa".