Thảm kịch Bhopal là một vụ rò rỉ đến gần 30 tấn khí Methyl isocyanate (MIC) và các khí độc khác trong vong 3 - 4 tiếng đồng hồ, tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu được sở hữu bởi Union Carbide (UCIL) ở Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Tại thời điểm đó, sự vụ này được cho là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ.
Thảm họa tương đương 4 ngàn tấn TNT
Được biết, Bhopal là thủ phủ của bang Madhya Pradesh nằm ở một vị trí địa lý được cho là trung tâm của đất nước Ấn Độ.
Năm 1969, UCIL đã xây dựng nhà máy thuốc trừ sâu Carbarl thuộc Công ty Đa quốc gia Mỹ Union Carbide , có thương hiệu Sevin, làm từ hóa chất Methyl IsoCyanate (MIC), trong một khu đất rộng 30ha, xung quanh những khu ổ chuột nghèo nàn chật ních người sinh sống. Ban đầu, MIC được nhập cảng trực tiếp từ Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 70, UCIL bắt đầu tự chế lấy hóa chất này tại nhà máy Bhopal của mình nhằm giảm chi phí sản xuất.
Đêm ngày mùng 2, sáng ngày 3/12/1984, thảm kịch ở nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu UCIL ở Bhopal, bang Madhya Pradesh khiến cho gần 600.000 người bị phơi nhiễm khí Methyl isocyanate (MIC) và hóa chất độc hại khác.
Nếu so sánh với quả bom nguyên tử “Fat Man”, tương đương với 21 ngàn tấn thuốc nổ TNT, đã làm thương vong khoảng 80 ngàn người Nhật ở thành phố Nagasaki vào năm 1945 thì có thể nói, Bhopal đã phải chịu sự tàn phá kinh hoàng của một lượng TNT không dưới 4 ngàn tấn.
Ước tính về số người chết không được thống nhất. Ban đầu, số lượng người chết trong thảm kịch Bhopal được cho là 2,259 người. Sau đó, chính quyền bang Madhya Pradesh xác nhận lại thì con số đó lên tới 3,787 người.
Tuy nhiên, đến năm 2006, một bản kê khai của chính phủ cho biết, vụ rò rỉ khí độc khiến 558.125 người bị phơi nhiễm, trong đó có 38.478 người bị thương nhẹ và khoảng 3.900 người bị thương nghiêm trọng và có nguy cơ để lại di chứng suốt đời...
Một số cơ quan khác lại ước tính, trong 2 tuần đầu của thảm kịch, 8.000 người đã chết và sau đó là hơn 25.000 người khác chết vì các căn bệnh liên quan đến rò rỉ khí độc.
Nguyên nhân của thảm kịch cho đến giờ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Ấn Độ và các lãnh đạo địa phương thì cho rằng do sự quản lý lỏng lẻo. Đồng thời, chính việc bảo dưỡng và bảo trì đường ống khiến cho nước chảy ngược vào bể chứa Methyl Isocyanate mà gây nên thảm họa.
Tuy nhiên, về phía nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu sở hữu và điều hành bởi Union Carbide (UCIL) thì chối bay chối biến. Thậm chí, họ còn đổ lỗi cho công nhân có những hành động phá hoại.
Rò rỉ nhiều lần trước đó
Năm 1976, 2 công nhân làm việc tại đây đã phàn nàn về tình trạng ô nhiễm tại nhà máy. Đến năm 1981, một công nhân bị tử vong vì ngạt khí phosgene khi bỏ mặt nạ bảo hộ.
Chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo nhà máy này về tình trạng ô nhiễm, nhưng đến tháng 1/1982, một vụ rò rỉ khí phosgene lại tiếp tục làm 24 công nhân nhập viện, không ai trong số 24 người này đeo mặt nạ bảo hộ khi làm việc.
Một tháng sau đó là rò rỉ khí MIC gây ảnh hưởng thêm 18 công nhân khác và đến tháng 8/1982, một kỹ sư hóa học bị bỏng đến 30% cơ thể do tiếp xúc với khí MIC loãng. Cho đến khi thảm kịch xảy ra, các cơ sở Bhopal UCIL đã đặt 3 bể chứa ngầm là E610, E611 và E619, chứa 15.000 gallon MIC lỏng.
Những hình ảnh khiến nhiều người sợ hãi về thảm kịch Bhopal. |
Theo quy định của tập đoàn Union Carbide (UCC), một bể chứa chỉ được chứa khoảng 50% MIC lỏng và mỗi bể chứa phải được đặt áp suất bằng khí nitơ trơ. Trong trường hợp áp suất bồn chứa tăng cao quá mức cho phép, để tránh nổ, van an toàn sẽ tự động mở, dẫn khí MIC qua một bộ lọc dùng Sodium Hydroxide để được trung hòa.
Diễn biến đáng sợ
Tuy nhiên, trong thực tế, mọi chuyện lại hoàn toàn khác và dẫn đến thảm họa đêm 02 rạng sáng 03/12/1984. Khoảng 9h tối ngày 02/12/1984, các van an toàn bên trong một đường ống đang được sục rửa cùng một lúc bị hỏng.
Từ đây, gần 500 lít nước tuồn vào bể E610 đang chứa hơn 40 tấn MIC, mà không một ai hay biết. Khi nước hòa vào MIC tạo ra một phản ứng nhiệt, chất MIC ở thể lỏng bắt đầu bốc hơi ở 39,1 độ C, khiến cho áp suất trong bồn chứa sẽ tăng theo. Tuy nhiên, vì thiếu nhân lực, không có người đi tuần thường xuyên, ban quản lý đã không biết rằng một thảm họa khủng khiếp sắp xảy ra tại bồn chứa MIC mang số E610.
Sau hơn một tiếng đồng hồ âm ỉ, trong vòng xoáy hỗ tương, phản ứng giữa nước và MIC càng lúc càng nhanh, khiến cho nhiệt độ trong bể E610 đột biến vọt lên tới 200 độ C, áp suất tăng hơn 10 lần cho phép, và van an toàn của nó mở toang lúc 11 giờ tối cùng ngày.
Vì bồn chứa quá đầy cộng với nhiệt độ quá cao, MIC ở dạng lỏng bị sôi mạnh, trào lên, làm ngập và khiến bộ lọc bị vô hiệu hóa. Trong khi đó, tháp đốt, đang trong tình trạng bảo trì, chờ thay một đoạn ống dẫn bị rỉ sét, không sử dụng được.
Cùng lúc, hệ thống phun sương của nhà máy lại không có đủ áp suất để có thể tạo ra một màng nước. Và như thế, chất độc không hề được lọc, không được đốt, không được làm loãng bằng màng nước như dự kiến.
Với hàng loạt hệ thống an toàn không hoạt động được, bị bất ngờ trước một hình huống chưa từng thấy, ban quản lý “ca đêm” hầu hết toàn là những người thiếu khả năng và ít kinh nghiệm, không nhận thức được đầy đủ thực tế của tình hình, do đó họ đã không có những quyết định thích hợp và kịp thời.
Thay vì cho hú còi báo động ngay lập tức và tìm cách tốt nhất để hướng dẫn người dân nhanh chóng di tản ra khỏi vùng ảnh hưởng của chất độc để giảm số thương vong, đồng thời phải hướng dẫn người dân dùng khăn nhúng nước che mũi và mắt để làm giảm nồng độ của MIC. Nhưng họ lại im lặng, loay hoay, suốt 3 tiếng đồng hồ, tìm cách ngăn chặn sự phát tán trong vô vọng.
Một đêm kinh hoàng
Khí độc tràn vào bầu khí quyển của thành phố không phải chỉ có MIC mà còn có các loại khí độc hại khác như phosgene, hydrogen cyanide, carbon monoxide, hydrogen chloride, oxit nitơ, monomethyl amin và carbon dioxide...
Chúng tấn công người dân khi họ đang chìm trong giấc ngủ. Mọi người bắt đầu bị ho, cảm thấy nghẹt thở, đau bụng và nôn mửa... Nhiều người bất tỉnh như những cái xác không hồn, đang thoi thóp chờ chết. Hàng ngàn người chết trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em.
Ngày hôm sau 3.800 công nhân của thành phố phải đi nhặt xác người chết. Họ đặt chất chồng các xác lên xe tải và chở đến một hố chôn người tập thể, để rồi sau đó “đại hỏa thiêu” hàng ngàn cái xác ấy.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, chỉ trong một tuần đầu 8.000 người chết, khiến thành phố này trở thành một bãi tha ma. Gần 600.000 người sống sót bị các vấn đề về đường hô hấp, kích ứng mắt hoặc mù lòa.
Những hình ảnh khiến nhiều người sợ hãi về thảm kịch Bhopal... |
Ngay sau đó, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu nhà máy này phải đền bù 3.3 tỷ USD. Năm 1999, một thỏa thuận đã đạt được theo đó UCC đồng ý trả 470 triệu USD, trong một thỏa thuận cuối cùng và toàn diện về những trách nhiệm hình sự và dân sự của UCC.
Cũng theo phán quyết của tòa án tối cao, UCC phải cung cấp tài chính xây dựng một bệnh viện 500 giường bệnh để cung cấp những chăm sóc y tế cho những người sống sót trong vòng 8 năm.
Không chỉ dừng lại ở năm 1984, cho đến tận đầu thế kỷ 21, hơn 400 tấn chất thải công nghiệp vẫn còn hiện diện ở nơi này. Hàng thập kỷ đã qua sau thảm họa, ô nhiễm đất và nước còn gây nên các bệnh mãn tính, rất nhiều người lao động nghèo và thế hệ con cháu của họ vẫn bị thảm kịch Bhopal đeo bám, ám ảnh.
Rất nhiều người mắc chứng thiếu máu, dậy thì muộn và bệnh ngoài da... Tệ hơn cả, cứ 5 hộ gia đình sinh sống gần khu vực nhà máy bị rò rỉ thì có tới 4 hộ có trẻ mắc dị tật bẩm sinh.