Giải mật vụ Đài Loan bắt giữ tàu chở dầu Liên Xô

Vào ngày 23/6/1954, một sự kiện xảy ra đã gây chấn động khắp Liên Xô. Tàu chở dầu Tuapse của nước này bị bắt giữ trên Biển Đông, không phải bởi tay cướp biển, mà bởi hải quân Đài Loan/Trung Quốc.

Giai mat vu Dai Loan bat giu tau cho dau Lien Xo
Tàu chở dầu Tuapse của Liên Xô.
Với một số thủy thủ của tàu chở dầu Tuapse, cuộc trở về của họ mất gần 35 năm. Nhưng làm thế nào mà một hòn đảo nhỏ bé như Đài Loan lại quyết định gây xung đột với một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới?
Liên Xô và Đài Loan/Trung Quốc vốn không phải là kẻ thù. Trong nửa sau của thập niên 1930, Moskva từng hậu thuẫn tích cực cho Quốc dân đảng cầm quyền của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, nhằm chống lại phát-xít Nhật xâm lược. Liên Xô đã gửi cho chính quyền Tưởng Giới Thạch nhiều hỗ trợ về tài chính, vũ khí và chuyên gia quân sự.
Nhưng sau đó, hai bên đã đi theo những ngả đường khác nhau. Liên Xô đứng về phe đảng Cộng sản Trung Quốc của Chủ tịch Mao Trạch Đông, và trở thành địch thủ của Tưởng Giới Thạch.
Năm 1949, thất bại nặng nề trước Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Tưởng Giới Thạch đã bỏ chạy từ đại lục đến đảo Đài Loan. Tại đây, Quốc dân đảng không cam chịu thất bại. Tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh Mỹ, Quốc dân đảng đã tìm cách thực hiện một cuộc phong tỏa hải quân đối với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bắt giữ các tàu chở hàng nước ngoài trên đường hỗ trợ chính quyền non trẻ ở đại lục. Sau khi hàng hóa bị tịch thu, các con tàu thường được phép tiếp tục lên đường.
Những con tàu của Liên Xô là những đối tượng duy nhất mà Tưởng Giới Thạch không dám động đến. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi này đã biến mất vào mùa xuân năm 1953, sau cái chết của lãnh tụ Xô-viết Stalin và bất ổn sau đó ở Liên Xô.
Giai mat vu Dai Loan bat giu tau cho dau Lien Xo-Hinh-2
Tưởng Giới Thạch trong ảnh chụp năm 1950. Ảnh: Getty Images
Vụ bắt giữ tàu chở 10.000 tấn nhiên liệu máy bay
Tàu chở dầu Tuapse của Liên Xô, rời cảng Odessa vào tháng 5/1954, đang trên đường đến Thượng Hải chở theo 10.000 tấn nhiên liệu hàng không cho Không quân PLA. Khi gần đến đích, nó bị hai tàu khu trục Đài Loan đánh chặn.
Cựu sĩ quan Cui Changling, người tham gia chiến dịch bắt giữ tàu Tuapse, sau đó trốn sang Trung Quốc đại lục, nói trong cuộc thẩm vấn: "Tôi không khỏi thắc mắc tại sao bộ chỉ huy Tưởng Giới Thạch lại táo bạo như vậy. Tôi sớm nhận được câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi này từ đội trưởng. Sự việc xảy ra khi vào sáng sớm ngày 23/6/1954, chúng tôi nhìn thấy Tuapse và tiến về phía nó.
Đúng lúc đó, tôi đang đứng trên cầu chỉ huy, nhìn qua ống nhòm thấy ở đằng xa có bóng hai chiếc tàu nữa. Ngay lập tức tôi báo cáo việc này với thuyền trưởng. Ông ta nói rằng những con tàu đó thuộc Hải quân Mỹ. Thuyền trưởng cho biết tàu hải quân Mỹ đã bắt gặp tàu Tuapse ở kênh Bashi và đang theo sát nó đến địa điểm bắt giữ được bố trí trước cũng như báo cáo tọa độ của tàu Liên Xô cho Bộ chỉ huy Quốc dân đảng".
Sau đó, các tàu Đài Loan đã bắn nhiều phát súng cảnh cáo, yêu cầu tàu chở dầu dừng lại. Một nhóm tấn công có vũ trang xông lên tàu và kiểm soát con tàu. Phòng vô tuyến điện của Tuapse chỉ kịp gửi một tin nhắn về nhà thông báo rằng tàu đã bị bắt giữ.
Giai mat vu Dai Loan bat giu tau cho dau Lien Xo-Hinh-3
Một bức ảnh cắt từ bộ phim Liên Xô "E.A. - Tai nạn bất thường", dựa trên các sự kiện có thật về vụ bắt giữ tàu chở dầu Tuapse của Liên Xô. Ảnh: Xưởng phim Dovzhenko
Tàu Tuapse được đưa đến cảng Cao Hùng của Đài Loan. Tại đó, theo Cui Changling, một số cố vấn quân sự Mỹ ăn mặc như thường dân đã lên tàu. Họ tịch thu toàn bộ giấy tờ và kiểm tra kỹ lưỡng con tàu.
Tranh cãi Liên Xô - Mỹ
Liên Xô ngay lập tức phản ứng về vụ việc. Moskva không công nhận chính quyền Đài Loan và công hàm phản đối của họ đã được gửi thẳng tới Mỹ.
"Rõ ràng là việc bắt giữ tàu chở dầu của Liên Xô bởi một tàu hải quân trong vùng biển do Hải quân Mỹ kiểm soát chỉ có thể do các lực lượng hải quân Mỹ thực hiện. Liên quan đến cuộc tấn công nhằm vào một tàu buôn của Liên Xô trên biển, Chính phủ Liên Xô hy vọng Chính phủ Mỹ sẽ thực hiện các bước để đảm bảo trả lại con tàu, hàng hóa và thủy thủ đoàn ngay lập tức", công hàm viết. Nội dung của văn bản này được đăng trên báo Pravda vào ngày 25/6/1954.
Sau khi chính quyền Tưởng Giới Thạch tiếp tục giữ con tàu và thủy thủ đoàn, Liên Xô và một số nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa đã tăng cường sức ép ngoại giao, bao gồm cả tại Liên hợp quốc. Australia và New Zealand, những nước thân thiện với Mỹ, thì kín đáo bày tỏ lo ngại rằng vụ việc có thể dẫn đến việc Liên Xô đẩy mạnh các hoạt động hải quân ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Số phận thuỷ thủ đoàn
Tuy nhiên, các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Đài Loan không vội vàng đáp ứng yêu cầu của Moskva. Họ đã có kế hoạch riêng cho các thủy thủ Liên Xô.
49 thủy thủ được chia thành các nhóm 10-15 người và ngay lập tức bị cô lập với nhau. Hàng ngày, họ bị tẩy não tâm lý trong nỗ lực gây áp lực buộc họ xin tị nạn chính trị ở Mỹ, mục đích là làm tổn hại hình ảnh của Liên Xô và cho thấy rằng mọi người dân có thể chạy trốn khỏi nước này bất cứ khi nào có cơ hội.
Các thủy thủ bị gán cho thân phận tù nhân chiến tranh, bị bỏ đói và đánh đập, hoặc ngược lại, họ được mua chuộc với lời hứa về một cuộc sống sung túc ở phương Tây. Thậm chí, có lúc các thuỷ thủ tàu Tuapse còn được thông báo rằng Thế chiến thứ III đang diễn ra và nếu không đổi phe, họ sẽ bị bắn chết.
Một năm sau, với vai trò trung gian của Pháp, Liên Xô đã xoay sở đảm bảo việc thả 29 thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm cả thuyền trưởng của tàu chở dầu, Vitaly Kalinin. Trước tất cả những áp lực phải gánh chịu, nhiều thủy thủ Liên Xô đã kiên quyết từ chối ký bất cứ điều gì mà phía Mỹ cung cấp.
29 thuỷ thủ được chào đón như những người anh hùng ở quê hương. Họ được trả tiền bồi thường vì đã từng là tù nhân, nhận giải thưởng và được sắp xếp những công việc tốt trên tàu. "Đã có lúc chúng tôi mất hết hy vọng quay trở lại. Chúng tôi chủ yếu sợ chết vì đói, mọi người đều tiều tụy như những bộ xương biết đi", một thuỷ thủ tên Yury Boriskin nhớ lại.
Giai mat vu Dai Loan bat giu tau cho dau Lien Xo-Hinh-4
Thuỷ thủ tàu Tuapse được chào đón khi trở về. Ảnh từ bộ phim "E.A. - Tai nạn bất thường".
Tuy nhiên, một số phận u ám hơn đang chờ đợi 20 người đã ký đơn xin tị nạn. 9 người trong số họ được đưa đến Mỹ, nơi hai người thậm chí còn đưa ra những lời chỉ trích Liên Xô trên đài phát thanh. 5 người quyết định tìm cách trở về quê hương ngay sau đó và vào tháng 4/1956, họ trốn đến Đại sứ quán Liên Xô. Họ trở về nhà trong im lặng, bị giám sát và không còn được phép di chuyển trên các tuyến đường quốc tế. Tới năm 1963, Nikolai Vaganov, một trong những người tham gia chương trình phát thanh chỉ trích Liên Xô, mới bị bắt, bị kết tội phản quốc và lãnh án 10 năm tù.
Bốn thuỷ thủ ở lại Mỹ bị toà án Liên Xô kết án tử hình vắng mặt. Một trong số họ - Mikhail Ivankov-Nikolov - phát điên ngay sau đó và chính người Mỹ đã giao ông ta cho phía Liên Xô vào năm 1959. Nikolov được đưa vào bệnh viện tâm thần và ở đó trong 20 năm.
Bốn thủy thủ khác ký đơn xin tị nạn đã rời đảo Đài Loan đến Mỹ Latinh vào năm 1957 và từ đó trở về Liên Xô. Sau đó họ bị kết án lên đến 15 năm tù vì tội phản quốc.
Trong số các thủy thủ còn lại trên đảo Đài Loan, hai người đã chết và một người khác tự sát. Bốn người rút đơn xin tị nạn ở Mỹ mà họ đã ký và bị đưa vào một nhà tù địa phương. Sau khi được thả, họ sống trong một khu định cư ven biển dưới sự giám sát của cảnh sát Đài Loan. 34 năm sau, vào năm 1988, Lãnh sự Liên Xô tại Singapore mới đưa được những người này hồi hương.
Tàu chở dầu Tuapse không bao giờ được nhìn thấy trên vùng biển quê hương nữa. Sau khi phục vụ trong Hải quân Đài Loan/Trung Quốc với tên gọi mới là Kuaiji, nó được đưa về neo đậu tại cảng Cao Hùng cho đến tận ngày nay.

Vì sao Tưởng Giới Thạch 3 lần âm mưu phá mộ tổ Mao Trạch Đông?

(Kiến Thức) - Theo một số nguồn tin, Tưởng Giới Thạch là người rất quan tâm đến phong thủy. Trong số này có việc, Tưởng Giới Thạch 3 lần sai người tìm cách phá mộ tổ Mao Trạch Đông nhằm ''cắt đứt long mạch". Thế nhưng, mọi nỗ lực của Tưởng Giới Thạch đều thất bại.

Vi sao Tuong Gioi Thach 3 lan am muu pha mo to Mao Trach Dong?
 Khi còn sống, Tưởng Giới Thạch được biết đến là người mê tín nên rất quan tâm đến vấn đề phong thủy.

Sự thật bất ngờ Tưởng Giới Thạch tính chuyện cưới Tống Khánh Linh

(Kiến Thức) - Sau khi Tôn Trung Sơn chết, Tưởng Giới Thạch từng tính chuyện cầu hôn Tống Khánh Linh. Nếu việc này thành công, Tưởng Giới Thạch tin rằng ông sẽ đạt được nhiều quyền lực và sức ảnh hưởng. 

Su that bat ngo Tuong Gioi Thach tinh chuyen cuoi Tong Khanh Linh
 Năm 1925, Tôn Trung Sơn - người đứng đầu Quốc Dân Đảng Trung Quốc qua đời. Sau cái chết của ông, nội bộ Quốc Dân Đảng có những xáo trộn. Khi ấy, Tưởng Giới Thạch là hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố.

Tin mới