Theo đó, chiến dịch này là kết quả của các cuộc đàm phán bí mật giữa nhà ngoại giao Thụy Điển F.Bernadotte và Thống chế SS G. Himmler. Đối tượng được ưu tiên trong quá trình sơ tán là những người có quốc tịch của các quốc gia Bắc Âu.
Tổng cộng, 15.000 tù nhân đã được đưa ra nước ngoài trong thời gian này. Các tù nhân liên tục đến, để chờ đến lượt được sơ tán sau đó được đưa lên tàu Cap Arcona và các tàu chở hàng Thielbek và Athen neo tại cảng Lübeck.
Trong thời gian này, đại diện của Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển đã có mặt tại Lübeck và trao thức ăn, quần áo cho họ.
Vào lúc 14h45 ngày 3/5/1945, các máy bay ném bom Hawker Typhoon của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh bất ngờ xuất hiện trên vịnh Lübeck và tấn công các tàu có tù nhân đang thả neo. Thielbek là tàu chìm đầu tiên, chỉ có khoảng 120 người sống sót.
Trên Cap Arcona, sau nhiều lần bị tấn công, một đám cháy lớn bắt đầu bùng lên, sau đó con tàu chìm một phần trong vùng nước nông của vịnh. Máy bay Anh đã bắn vào những tù nhân đang bơi trong làn nước băng giá để tìm cách thoát thân. Kết quả là chỉ có 314 người được cứu.
Một trong những tù nhân sống sót, Erwin Geschonnek, nhớ lại những gì đã xảy ra: "Có một tiếng nổ, sau đó là một tiếng đứt gãy. Vài quả bom rơi trúng khu vực giữa tàu. Tôi chạy dọc theo ván cầu, khói mù mịt khắp nơi, những người bị thương la hét, và những tù nhân bối rối chạy xuống cầu thang, hoàn toàn hoảng loạn.
Những người nửa điên nửa mê từ mọi phía kéo đến đòi lên boong. Một số bị ném xuống sàn và bị giẫm đạp đến chết. Họ không có lối thoát. Sáu trăm bệnh nhân trong bệnh xá bên dưới cũng không có cơ hội thoát thân nào".
"Athen" đang thả neo ở Neustadt để chờ đợt tù nhân tiếp theo và không bị tấn công. Ngoài ra, các máy bay Anh đã đánh chìm một tàu khác của Đức là "Deutschland", tuy nhiên không có tù nhân nào trên đó.
Đại diện của Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển sau đó tuyên bố rằng vẫn có thể có tới 2.000 tù nhân trên con tàu này lúc bị chìm. Chỉ đến 18h00 cùng ngày, Bộ chỉ huy Anh mới phát hiện ra nạn nhân của vụ tấn công và ra lệnh tiến hành giải cứu những tù nhân còn sống.
Tổng số nạn nhân bị chết được thống kê là khoảng 7.000 người. Thi thể của những người chết dạt vào bờ biển trong suốt vài tuần và chúng được thu thập sau đó chôn cất trong những ngôi mộ vô danh ở Neustadt, Scharbeutz và Timmendorfer Strand.
Vào tháng 6/1945, quân đội Anh đã tiến hành một cuộc điều tra về thảm kịch này, nhưng sau đó báo cáo về nó đã được giữ bí mật trong nhiều thập kỷ. Báo cáo cho thấy rằng, từ ngày 2/5, tình báo của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã có thông tin về các tàu chiến được sử dụng để chuyên chở tù nhân của các trại tập trung Đức, nhưng “vì một lý do không xác định, thông tin này đã không được truyền đến tất cả các đội hình chiến đấu”.
Bị người Anh bắt giữ, Trung tướng Georg-Henning von Bassewitz-Behr, cựu chỉ huy cấp cao SS và là lãnh đạo Cảnh sát tại Quân khu X, đã làm chứng trong các cuộc thẩm vấn rằng các tù nhân được chuyển lên tàu ở vịnh Lübeck với mục đích “tiêu hủy”, có thể với sự “trợ giúp” của không quân Đồng minh.
Vào tháng 9/1947, Georg-Henning von Bassewitz-Behr “bất ngờ” được trao cho chính quyền Liên Xô và 2 năm sau, ông qua đời tại một trong những trại lao động ở Siberia, vĩnh viễn mang theo bí mật về những con tàu bị bắn chìm tại vịnh Lübeck.
Một tù nhân cấp cao khác của Anh, cựu ủy viên quốc phòng Đức Quốc xã Gauleiter K.Kaufman thừa nhận rằng, theo lệnh của G.Himmler, ông ta đã đưa các tù nhân lên tàu, chuẩn bị cho việc chuyển giao sau đó cho Thụy Điển.
Tuy nhiên, Gauleiter K.Kaufman bị thương nặng trong một vụ tai nạn ô tô khi người Anh đưa ông đến Nuremberg để làm chứng tại phiên tòa của Tòa án Quân sự Quốc tế. Cho đến khi qua đời vào năm 1969, ông chưa bao giờ cố gắng thẳng thắn về các sự kiện ở vịnh Lübeck và vai trò của mình trong sự kiện này.
Các nhà nghiên cứu hiện đại đi đến kết luận rằng, thảm kịch ở vịnh Lübeck có thể tránh được nếu quy trình phân tích thông tin tình báo trước khi chọn mục tiêu của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã không bị vi phạm trong điều kiện của một cuộc tấn công dữ dội ở giai đoạn cuối của cuộc chiến.
Một trong những yếu tố gây ra cuộc không kích của Anh vào các con tàu nói trên xuất phát từ việc các nhân viên trinh sát Anh đã tiếp nhận một số thông tin về kế hoạch sơ tán quân SS đến Na Uy.
Một nguyên nhân quan trọng khác là việc Thủ tướng W.Churchill đã ra sức yêu cầu các lực lượng quân sự Anh chiếm vịnh Lübeck càng sớm càng tốt, ngăn chặn khả năng Hồng quân có thể tiến vào lãnh thổ Đan Mạch.
Đáng buồn là cho đến tận năm 1990, tượng đài tưởng niệm sự kiện này mới được dựng lên ở những nơi có những ngôi mộ tập thể của các cựu tù nhân Bắc Âu thuộc các trại tập trung Đức đã chết vì cuộc không kích của Anh.