Giải ngố: Công nghệ “lướt biển” trên tên lửa chống hạm
(Kiến Thức) - Kiểu phóng "lướt biển" đã được sử dụng cực kỳ phổ biến trên các tên lửa chống hạm ngày nay và dần trở thành một trong những tiêu chuẩn cơ bản nhất cho các loại tên lửa này.
Tuấn Anh
Xem toàn bộ ảnh
Kỹ thuật phóng tên lửa "lướt biển" hay còn có tên tiếng Anh là Sea Skimming là kỹ thuật được áp dụng cho rất nhiều loại tên lửa chống hạm. Với kiểu phóng này, tên lửa chống hạm sẽ bay ở độ cao cực thấp so với mực nước biển, tránh được việc bị radar hoặc thiết bị hồng ngoại của đối phương phát hiện.
Kỹ thuật này không chỉ áp dụng cho các tên lửa chống hạm mà còn từng được các phi công lái máy bay chiến đấu áp dụng để tấn công mục tiêu trên biển bằng ngư lôi hoặc bằng pháo phản lực.
Ngày nay, với việc các loại tên lửa càng ngày càng thông minh, các phi công chiến đấu đã không còn phải sử dụng kỹ thuật nguy hiểm này trong tác chiến đối hải.
Một tên lửa chống hạm được coi là có khả năng bay lướt biển khi phần lớn các pha phóng của nó hoặc phần lớn quãng đường nó di chuyển có độ cao dưới 150 ft - tương đương với 51 mét so với mực nước biển. Cá biệt nhiều loại sát thủ diệt hạm ngày nay còn có thể đạt độ cao chỉ 2 mét so với mực nước biển nếu điều kiện thời tiết cho phép.
Do Trái Đất có hình cầu, các tên lửa bay ở độ cao quá thấp sẽ chỉ bị đối phương phát hiện khi các tên lửa này vượt qua đường chân trời - thường là từ 28 tới 46km so với mục tiêu tuỳ từng vùng biển trên thế giới.
Quãng đường từ 28 tới 46km sẽ chỉ tốn của các tên lửa chống hạm khoảng thời gian từ 30 tới 90 giây trước khi đâm trúng mục tiêu. Đây là quãng thời gian quá ngắn để mục tiêu của nó - các tàu chiến trên mặt nước kịp phản ứng lại.
Tính sơ sơ, khi phát hiện ra một tên lửa đang bay đến phía mình, thuỷ thủ đoàn trên các tàu chiến sẽ tốn rất nhiều thời gian vào việc xác định quỹ đạo bay của quả tên lửa, xác định được tốc độ, độ cao và thời gian trước khi va chạm xảy ra. Thậm chí còn xác định xem đây là hành động tấn công hay chỉ là hành động khiêu khích - chừng đó thủ tục cũng đủ để tên lửa chống hạm vượt quãng đường vài chục kilomet từ đường chân trời tấn công trúng mục tiêu.
Do bay ở độ cao thấp, tên lửa chống hạm sử dụng kỹ thuật Sea Skimming sẽ tấn công vào phần thấp bên mạn tàu - khu vực mớm nước - khiến nước tràn vào bên trong tàu ngay lập tức. Đây là một sự lợi hại cực kỳ lớn, giúp tên lửa chống hạm có được một phần sức mạnh như của ngư lôi.
Tuy nhiên, điểm yếu của loại tên lửa này đó là khi biển động, ở độ cao chỉ vài ba mét các tên lửa dùng kỹ thuật lướt biển dễ bị sóng biển đánh gục trước khi kịp tiếp cận được với mục tiêu. Ngoài ra, loại tên lửa này cũng cần có hệ thống radar cực kỳ hiện đại để phục vụ cho việc phát hiện cũng như dẫn đường đánh tới mục tiêu.
Ngoài ra, vỏ quýt dày chắc chắn có móng tay nhọn, các hệ thống pháo cao tốc ngày nay được coi là khắc tinh của mọi tên lửa chống hạm sử dụng kiểu kỹ thuật lướt biển. Với những loạt đạn chính xác và uy lực, chỉ cần các hệ thống pháo cao tốc này hoạt động kịp thời, mối nguy hại có thể sẽ được loại bỏ ngay lập tức. Nguồn ảnh: QQ.
Mời độc giả xem Video: Phi công phản lực chạy hết tốc đuổi theo tên lửa chống hạm để ghi hình trong một buổi phóng thử.