Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra - Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trần Anh Tuấn (34 tuổi, quê quán Bình Thuận, tạm trú tại quận Sơn Trà) để điều tra hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam dưới hình thức chuyên gia.
Bằng thủ đoạn lập ra 3 doanh nghiệp do mình làm giám đốc, bảo lãnh cho các công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo dạng chuyên gia để làm việc, Tuấn đã tổ chức đưa chót lọt 12 công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép thành công, hưởng lợi 2.400 USD.
Cơ quan công an khám xét đối với Nguyễn Trần Anh Tuấn. |
Tuy nhiên, hành vi của Tuấn đã bị lực lượng công an phát hiện khi kiểm tra hành chính một số căn hộ thuộc The Point Villa (đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn), phát hiện nhiều công dân Hàn Quốc hoạt động không đúng mục đích xin thị thực nhập cảnh tại Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi của Tuấn cùng các đối tượng là lập ra các công ty "ma", giả mạo chữ ký, lợi dụng các chính sách hỗ trợ về nhập cảnh của nước ta để tổ chức cho người nước ngoài cư trú trái phép tại Việt Nam.
Đáng chú ý, những người nước ngoài nhập cảnh trái phép vốn không đủ điều kiện nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam theo diện chuyên gia của các công ty đang hoạt động ở nước ta. Tuy nhiên, nhóm đối tượng đã vì vụ lợi cá nhân mà bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp cả tình hình dịch bệnh hiện nay. Do đó, các hành vi của các đối tượng cần phải xử lý nghiêm khắc.
Theo điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi phạm tội của Tuấn sẽ phải đối mặt mới mức án tù từ 7 đến 15 năm. Đồng thời, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
“Các đối tượng thực hiện hành vi đồng phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tùy vào vai trò của mỗi cá nhân và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ. Các cơ quan tố tụng sẽ xem xét mức hình phạt phù hợp với từng đối tượng. Đối với những người nhập cảnh trái phép cần phải trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để nghiêm khắc cảnh cáo” – luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Không chỉ vụ việc trên, thời gian qua, các lực lượng chức năng tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp phát hiện, triệt phá những đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh cả nước đang cao độ phòng, chống dịch COVID-19.
Mục đích nhập cảnh trái phép vào Việt Nam của các đối tượng rất khác nhau như tìm kiếm việc làm, trốn truy nã, tránh dịch COVID-19, kinh doanh tài chính, hoạt động tội phạm công nghệ cao, cá cược đánh bạc, hay thông qua Việt Nam để sang các quốc gia lân cận…
Thủ đoạn của các đối tượng là lập đường dây, phân công, chia nhiều công đoạn tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh qua các tỉnh biên giới. Các đường dây nhập cảnh trái phép này có cả người nước ngoài và người Việt Nam cầm đầu.
Đa số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép đều lợi dụng đường biên giới dài, địa hình hiểm trở để đưa một nhóm khoảng 20 - 30 người vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở. Sau đó, nhóm này sẽ chia thành từng tốp nhỏ, từ 5 - 6 người, được các “chân rết” đưa bằng xe máy, hoặc xe ô tô cá nhân vào sâu trong nội địa và tỏa ra các tỉnh thành trong cả nước với chu trình rất khép kín.
Tại Việt Nam, các đối tượng nhập cảnh trái phép thường tạm trú tại những căn hộ chung cư hoặc biệt thự thuộc các khu đô thị mới hoặc những khách sạn, nhà nghỉ tư nhân quy mô nhỏ và thường xuyên thay đổi chỗ ở. Khi đến các khu chung cư, nhóm đi lẻ thành từng người, đeo khẩu trang như người du lịch bình thường.
Đáng nói, hầu hết các vụ việc nhập cảnh trái phép đều có sự tiếp tay, giúp sức của một số cá nhân người Việt Nam. Các đối tượng trung gian này làm nhiệm vụ dẫn đường, thuê phương tiện di chuyển, thuê nơi tạm trú, cung ứng các nhu yếu phẩm.
Đặc biệt, khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát phòng chống tình trạng nhập cảnh trái phép, các đối tượng đã thay đổi phương thức, thủ đoạn, tổ chức.
Cụ thể, các đối tượng để 1 đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp, xin visa trong thời gian tương đối dài, sau đó thuê nhà và lần lượt đưa từng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Những kẻ tổ chức nhập cảnh trái phép theo phương thức này thường chọn các chung cư mới xây vì những nơi này chưa có ban quản trị hoặc có nhưng còn yếu nên rất khó phát hiện.
Ngoài ra, lợi dụng chính sách thông thoáng về đầu tư đất đai tại Việt Nam, một số người nước ngoài đã đầu tư mua căn hộ chung cư trung, cao cấp sau đó ủy quyền cho các công ty quản lý vận hành tòa nhà cho thuê hộ để kiếm lời. Những căn hộ này cũng trở thành nơi ở của những kẻ nhập cảnh bất hợp pháp.
Mới đây, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khi nói về trách nhiệm để người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã cho rằng, thứ nhất là của lực lượng bảo vệ biên giới, thứ hai là của các đơn vị chức năng từ Trung ương đến địa phương.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết, việc này cần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn mang mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Việt Nam. Do đó, chúng ta phải ngăn chặn một cách quyết liệt.
Ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn quốc đối với tất cả những người nước ngoài nhập cảnh để phát hiện người nhập cảnh trái phép.
Trung tướng Tô Ân Xô nói rằng, đối với những người nhập cảnh trái phép nếu không mắc COVID-19 sẽ được đưa trở lại nơi xuất phát. Những nhà nghỉ không thực hiện đúng các quy chế có thể rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ đoạn mới đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Nguồn: VTV1