Chiều ngày 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả kiểm phiếu lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đáng chú ý, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất với 137 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.
Phát biểu bên hành lang Quốc hội ngay sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. |
“Giáo dục luôn liên quan đến mọi người mọi nhà, được xã hội quan tâm, có những vấn đề không chỉ trong một sớm một chiều mới giải quyết mà phải có thời gian. Vừa rồi, tôi cũng như ngành rất nỗ lực, có một số việc có kết quả, một số việc cần có thời gian. Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này, tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Sáng ngày 26/10, thảo luận tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề liên quan đến ngành giáo dục, phần nào lý giải được vì sao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lại “đội sổ” tín nhiệm.
Gian lận thi cử, điểm đen không nên có trong ngành giáo dục
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) khi phát biểu thảo luận sáng 26/10 đã nói rằng, lĩnh vực giáo dục đào tạo cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục.
“Với kỳ thi hai trong một xem ra khó thành công và còn có quá nhiều lỗ hổng. Ví dụ, năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần so với năm 2016 và bi kịch là có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 lại quá khó và phát hiện ra chuyện động trời là gian lận trong thi cử. Đây là những điểm đen mà không nên có trong lĩnh vực nêu trên”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nói rằng, tinh giản biên chế viên chức sự nghiệp nhất là viên chức giáo dục thì thời điểm này cần có lộ trình và phải cân nhắc kỹ.
“Theo thống kê chưa đầy đủ, vừa qua, chỉ ở 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thiếu, thừa cục bộ giáo viên, thiếu khoảng 76.000 người, riêng giáo viên mầm non thiếu 44.000 người. Theo tôi biết, hiện cả nước chỉ có 2 tỉnh, thành phố có đủ giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. |
Vấn đề đặt ra với giáo dục là phải tạo ra đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất có thể. Chúng ta không thể gộp điểm trường ở các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa để các cháu phải đi học quá xa nhà.
Chúng ta không thể để tình trạng nhồi nhét 50, 60 học sinh trên lớp ở các thành phố, thị xã mà phải nhanh chóng xử lý bài toán thiếu giáo viên hiện nay. Tất nhiên phải có tầm nhìn dài hạn để giải quyết những hậu quả sau này”, ông Cao Đình Thưởng nói.
Đại biểu Cao Đình Thưởng cũng nói rằng, vừa qua có hiện tượng có địa phương xin được biên soạn sách giáo khoa riêng cho địa phương mình sau khi Bộ Giáo dục có chương trình khung sách giáo khoa phổ thông hoặc xin miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở khi chưa có luật ra đời.
“Ngay cả sách giáo khoa phổ thông tôi cũng đề nghị cả nước cùng dùng chung một bộ sách giáo khoa, còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao cho những đối tượng cần thiết. Không nên một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa bởi nhiều là bao nhiêu? Không khéo dẽ bị lạm dụng. Điều này có lẽ tôi cho rằng chỉ thích hợp đối với tương lai và chúng ta cần hội nhập nhưng cũng cần giữ gìn bản sắc dân tộc bởi mỗi công dân Việt Nam là người Việt Nam”, ông Thưởng nói.
Chưa có tính đột phá về những giải pháp giáo dục đào tạo
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, trong báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 có nhắc đến những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ. Sai phạm xảy ra trong kỳ thi trung học phổ thông, vấn đề sách giáo khoa... gây ra bức xúc trong dư luận.
“Những thiếu sót này đa phần được nêu ra từ các báo cáo trước đây và lần này một số vấn đề cá biệt trở lên nóng hơn trong 9 tháng vừa qua như một loạt gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018, tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến, Chính phủ đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới những những giải pháp này còn chưa có tính đột phá vì gần giống các giải pháp đã nêu kỳ họp trước. Cần phân tích chính xác nguyên nhân gây bất cập thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. |
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình chung thi trung học phổ thông năm 2018 được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng còn sơ hở trong bảo mật.
“Vậy ai chịu trách nhiệm cho sơ hở này? Hay lại là lỗi khách quan, lỗi do quy trình. Chỉ rõ bộ phận hay cá nhân nào trực tiếp chịu trách nhiệm mới đề ra biện pháp khắc phục hiệu quả cũng như lấy lòng tin của nhân dân. Thực tế, khi tìm ra người chịu trách nhiệm chính của sai phạm, xử lý nghiêm thì sai phạm đó mới không tái phạm trong lĩnh vực đó, địa phương đó cũng như trên phạm vi cả nước. Các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh được chúng ta nhắc lại nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, chưa giải quyết những thiếu sót hạn chế đã và đang tồn tại trong hệ thống y tế, giáo dục”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu mong Chính phủ tăng cường đầu tư và theo dõi, giám sát để nâng cao chất lượng hai lĩnh vực giáo dục và y tế, để nguồn ngoại tệ khổng lồ chảy ra nước ngoài phục vụ cho việc chữa bệnh và du học ngày càng giảm theo thời gian.