Từ năm 2017 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được giao về cho địa phương tổ chức. Ở cấp địa phương sẽ có Ban chỉ đạo thi do lãnh đạo địa phương đứng đầu và hội đồng thi. Tất cả các khâu từ coi thi, chấm thi, quản lý sử dụng dữ liệu thi đều do địa phương chịu trách nhiệm.
Thế nhưng, khi được hỏi về trách nhiệm của Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 khi để xảy ra vụ nâng "khống" điểm thi, 3 lãnh đạo của Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có những lý giải khác nhau về trách nhiệm của mình.
Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang: Chúng tôi không “thoái” trách nhiệm
Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND Hà Giang. |
Ngay sau khi kết quả 330 bài thi ở Hà Giang được nâng từ 1,0 đến 8,75 điểm được công bố, nhiều người phải thốt lên “quá khủng khiếp”.
Trong buổi họp báo chiều 17.7.2018, trả lời câu hỏi của phóng viên về cảm xúc của một Trưởng ban chỉ đạo thi nhưng để xảy ra tiêu cực?, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND Hà Giang - cho biết: “Rõ ràng tôi phải chịu trách nhiệm. Mặc dù các bước rất chặt chẽ nhưng có những cái chúng tôi không thể lường trước. Mặc dù công tác chỉ đạo rất quyết liệt nhưng do có những cái chúng ta không có nghiệp vụ cũng như chưa có chuyên môn sâu nên đã tạo khe hở cho tiêu cực.
Trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi và hội đồng thi của Hà Giang đến đâu thì xử lý đến đó, chúng tôi không “thoái” trách nhiệm”.
Từ đó đến nay, đã hơn 9 tháng trôi qua, trách nhiệm của các thành viên trong ban chỉ đạo thi ở Hà Giang đến đâu, xử lý ra sao, dư luận vẫn đang chờ đợi.
Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình: Không biết, chưa nắm được
Ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình . |
Năm 2018, ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia ở Hòa Bình.
Khi vụ gian lận xảy ra, nhiều cơ quan báo chí đã liên hệ với ông để mong có thông tin chính thống về vụ việc, cũng như hỏi quan điểm về trách nhiệm người đứng đầu, trực tiếp được giao tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa thấy ông Bùi Văn Cửu đứng ra nhận trách nhiệm và trách nhiệm cụ thể là gì.
Cuối tháng 4.2019, trước thông tin hàng loạt phụ huynh là quan chức ở Hòa Bình có con em được nâng điểm, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết ông không biết, không nắm được chính xác con cán bộ, đảng viên nào liên quan.
Về tin đồn có cháu nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm, khi trả lời Lao Động, ông Bùi Văn Cửu nói rằng mình không có cháu ruột nào tham gia thi kỳ THPT quốc gia năm 2018 và cũng không có cháu họ hàng nào tên như báo chí nêu.
Sau đó, trả lời trên Tiền Phong, ông Cửu thừa nhận có cháu vợ tham gia kỳ thi, nhưng ông không hề biết gì về việc cháu được nâng điểm.
Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Sơn La: Chưa thấy nhận trách nhiệm
Tại Sơn La, ngày 23.7.2018, trong buổi công bố kết luận rà soát, kiểm tra các dấu hiệu bất thường về điểm thi tại tỉnh này, ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La đã khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý những ai có sai phạm, tuyệt đối không có vùng cấm.
Có điều không thấy ông nhận trách nhiệm với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo thi, khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Phóng viên nhiều lần liên hệ, ông Thủy có lần nói bận họp, lần nói đi công tác, hoặc bị ốm đang phải đi điều trị … để từ chối nói về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và trách nhiệm của những người liên quan.
Khi vụ gian lận bị phanh phui, những học sinh được nâng điểm đã bị trả về địa phương. Còn những thí sinh bị cướp mất cơ hội không được trả lại chỗ trên giảng đường đại học.
Thế nhưng, sau những sai phạm quá lớn, quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, đến nay học sinh, phụ huynh cả nước vẫn chưa nhận được lời xin lỗi của những người chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi.
Trách nhiệm của địa phương tới đâu, xử lý như thế nào? Ai chịu trách nhiệm người đứng đầu?, đến nay dư luận vẫn chờ câu trả lời.