Gần mười ngày qua, người dân tỉnh Kiên Giang, nhất là đảo ngọc Phú Quốc rất quan tâm đến vụ công an bắt ông Trần Tuấn Ngọc (còn gọi là Tèo Mỡ, 46 tuổi, ngụ ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc). Sự quan tâm này xuất phát từ việc Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Kiên Giang đăng tin "Bắt đối tượng hình sự ở Phú Quốc", cho rằng ông Ngọc bị bắt quả tang về hành vi "Đánh bạc" nhưng sự thật không phải vậy.
Loan tin một đường, thông báo một nẻo
Bài viết trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Kiên Giang: "Chiều ngày 5/12/2019, tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tiến hành bắt quả tang 3 đối tượng về hành vi đánh bạc, gồm Trần Tuấn Ngọc (thường gọi là Tèo Mỡ), sinh năm 1973, ngụ ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, Kiên Giang; Huỳnh Văn Vũ, sinh năm 1988, ngụ ấp Tân Tiến, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, Kiên Giang; Lâm Thành Trọng, sinh năm 1994, ngụ thành phố Rạch Giá, Kiên Giang.
Ngày 6/12, Cổng thông tin Điện tử Công an Kiên Giang đưa tin Trần Tuấn Ngọc bị bắt quả tang về hành vi Đánh bạc. |
Ngược lại thông tin trên, ngày 6/12, đại tá Mai Hòa Bình, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang ký thông báo về việc bắt người phạm tội quả tang và thông báo về việc tạm giữ ông Ngọc với nội dung người này có hành vi Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; phạm vào Điều 189 Bộ Luật hình sự. Các thông báo này đều được gửi đến VKSND tỉnh Kiên Giang, gia đình ông Ngọc và UBND xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc.
Tuy nhiên, thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang ghi Trần Tuấn Ngọc có hành vi Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. |
Hai người em ruột của Ngọc là Trần Thị Bích Thủy (39 tuổi) và Trần Thị Ngọc Yến (35 tuổi, cùng ngụ xã Bãi Thơm, Phú Quốc) khẳng định anh của họ không đánh bạc và phạm phải các tội danh khác như công an cung cấp cho báo chí.
Hai người này sau đó gửi đơn đến Công an tỉnh Kiên Giang và cơ quan công tố cùng cấp để xin bảo lĩnh cho anh ruột vì ông Ngọc, bà Yến và bà Thủy có cùng hộ khẩu, địa chỉ rõ ràng.
Tài xế chở Tèo Mỡ đã được tại ngoại
Ngoài việc làm đơn xin bảo lĩnh cho anh ruột, hai chị em Bích Thủy và Ngọc Yến đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng và tìm đến luật sư để bảo vệ quyền lợi cho ông Ngọc.
Đến ngày 13/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã có văn bản xác nhận rằng bị can Trần Tuấn Ngọc thuộc vụ án Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, xảy ra ngày 5/12/2019, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - số 729, quốc lộ 80, khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên.
Năm 2016, Trần Tuấn Ngọc từng bị bắt buộc đưa đi trị bệnh tâm thần. |
Ngày 18/1/2016, Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Hiếu ký quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đưa người đàn ông này đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) để trị bệnh.
Theo quyết định này thì về y học ông Ngọc bị hội chứng sau chấn động não cộng với rối loạn nhân cách thực tổn. Còn về pháp luật, lúc đó ông Ngọc không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Trị bệnh gần 2 năm, Tèo Mỡ xuất viện ngày 15/11/2017. Cùng ngày này Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh Kiên Giang có giấy chứng nhận Tèo Mỡ chấp hành xong án tù 2 năm về tội Đánh bạc.
"Anh tôi bị bệnh tâm thần là sự thật. Anh ấy địa chỉ rõ ràng, ở Phú Quốc kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ cùng hai chị em tôi chứ không có đánh bạc, cho vay nặng lãi hay cố ý gây thương tích và tổ chức đánh bạc như thông tin mấy ngày qua. Gia đình quá bức xúc khi báo chí cho rằng anh tôi là trùm giang hồ, trùm xã hội đen trong khi anh Ngọc không phải là người như vậy", bà Thủy nói.
Đơn của bà Thủy và Yến xin bảo lĩnh tại ngoại cho Trần Tuấn Ngọc. |
Việc khám xét xe, khám nhà trọ của Trần Tuấn Ngọc sau đó diễn ra như thế nào và công an có thu giữ thêm gì hay không và vì sao công an lại thông tin trái chiều cho báo chí và gia đình, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để cung cấp đến bạn đọc.