Giới chuyên gia nói gì về cuộc gặp ngày đầu Thượng đỉnh Mỹ-Triều?
(Kiến Thức) - Thái độ thân thiện và cởi mở của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp tại khách sạn Metropole tối 27/2 được xem là tín hiệu tích cực cho thấy Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 này có thể sẽ đạt được kết quả đáng mong đợi.
Thiên An (T.H)
Vào lúc 18h30 ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cái bắt tay lịch sử khi gặp nhau tại khách sạn Metropole ở Hà Nội trong thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều cười tươi trước ống kính phóng viên và sau đó ngồi xuống trò chuyện khoảng 10 phút, trước khi bắt đầu cuộc hội đàm kín để bàn về chương trình nghị sự và tham dự "bữa tối xã giao" cùng một số quan chức thân cận hai bên.
Tổng thống Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Khách sạn Metropole ở Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: Reuters.
Mở đầu cuộc hội đàm, Chủ tịch Kim Jong-un chia sẻ: "Chúng ta đã vượt qua tất cả trở ngại và đã có mặt tại đây, hôm nay", đồng thời khẳng định có được cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 này là nhờ "quyết định chính trị can đảm" của Tổng thống Trump.
Đáp lại, Tổng thống Trump nói: “Thật vinh dự khi được ở đây với Chủ tịch Kim, thật là vinh dự khi ở đây cạnh nhau, tại Việt Nam”. Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi ông Kim là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, và tin tưởng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Có thể thấy trong cuộc gặp lần 2 này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều bày tỏ thái độ cởi mở, thân thiện và luôn dành cho nhau những lời "có cánh". Đây xem là tín hiệu tích cực cho thấy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 này có thể sẽ đạt được kết quả đáng mong đợi.
"Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội là cơ hội để thế giới nhìn nhận về Chủ tịch Kim Jong-un trong một bối cảnh khác hơn so với những thông tin tuyên truyền mà chúng ta thường thấy", CNN dẫn chia sẻ của nhà phân tích Will Ripley, người từng đến thăm đất nước Triều Tiên 19 lần.
Cũng theo các chuyên gia, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều muốn thể hiện cho mọi người thấy rằng mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện kể từ sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018. Điều này được thể hiện rõ qua ngôn ngữ cơ thể của họ.
CNN cho biết, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều bước vào phòng họp sau bữa ăn tối 27/2, cánh phóng viên đã có cơ hội đặt câu hỏi cho Tổng thống Mỹ. Một phóng viên hỏi liệu ông Trump có đi ngược lại lời thề sẽ ép Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hay không, ông Trump thẳng thắn trả lời: "Không".
Và nhà lãnh đạo Mỹ cũng không loại trừ khả năng sẽ đưa ra một tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên trong dịp này. Được biết, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình.
Tổng thống Trump ngồi cạnh Chủ tịch Kim trong bữa tiệc tối ngày 27/2. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Reuters, một số nhà phê bình cho rằng Tổng thống Trump dường như đang bị "dao động" trong yêu cầu từ lâu của Mỹ đối với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không thể đảo ngược. Họ lo ngại ông có nguy cơ làm mất "lợi thế" nếu đưa ra nhượng bộ vội vàng và quá nhiều.
Theo Evans Revere, cựu nhà đàm phán Mỹ với Triều Tiên, Tổng thống Trump đang chịu áp lực khi đối diện với những lời chỉ trích và các vấn đề trong nước, và Chủ tịch Kim có thể tận dụng điều đó.
"Chủ tịch Kim Jong-un có thể đẩy Tổng thống Trump vào tình thế thậm chí khó khăn hơn vì các nhượng bộ. Ông ấy biết Tổng thống Mỹ muốn dừng các vụ thử nghiệm đến thế nào", chuyên gia Revere bình luận.
Trên thực tế, phi hạt nhân hóa hoàn toàn (bán đảo Triều Tiên) không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 này vẫn được kỳ vọng sẽ vạch ra những bước đi cụ thể hơn với những giải pháp từng bước trên lộ trình phi hạt nhân hóa.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump trò chuyện với Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội tối 27/2 (Nguồn: Ruptly)
Còn ông Gi-Wook Shin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein (APARC), cho rằng điều căn bản nhất hiện nay là đạt một sự hiểu biết chung về khái niệm “phi hạt nhân hóa”, bởi sự mập mờ của khái niệm này chỉ làm gia tăng sự hoài nghi về các cam kết của cả Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.
Ông Shin dự đoán hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ sử dụng cuộc gặp thượng đỉnh này như một cơ hội để giảm thiểu những mập mờ hiện nay và bất đồng trong các vấn đề chính, trước khi có thể tạo ra bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào hướng đến phi hạt nhân hóa.
Dù ít có tiến triển trong mục tiêu loại bỏ các chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng Tổng thống Trump dường như đang đặt cược vào mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Kim Jong-un và động lực kinh tế sau 70 năm "thù địch" giữa hai nước.
Đối với Tổng thống Trump, một thỏa thuận giúp giảm bớt mối đe dọa của Triều Tiên có thể mang lại thành tựu chính sách đối ngoại lớn cho ông giữa lúc đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối trong nước.
Công chúa Reema bint Bandar sẽ làm nữ Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ
(Kiến Thức) - Saudi Arabia mới đây đã bổ nhiệm Công chúa Reema bint Bandar làm đại sứ của nước này tại Mỹ, thay thế Hoàng tử Khalid bin Salman. Được biết, bà là con gái của cựu đại sứ Bandar bin Sultan Al Saud.
Ngày 24/2, sắc lệnh của Hoàng gia Saudi Arabia đã bổ nhiệm Công chúa Reema bint Bandar Al Saud làm đại sứ của nước này tại Mỹ, thay thế Hoàng tử Khalid bin Salman. Ảnh: ESPN.com.
Được biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Saudi Arabia, nữ giới được đảm nhiệm vai trò của một đại sứ ngoại giao cấp cao. Ảnh: Youtube.
Trong một bài đăng trên trang Twitter, Công chúa Reema bint Bandar đã gửi lời cảm ơn đến Thái tử kế vị Mohammed bin Salman khi tin tưởng bổ nhiệm bà làm Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ. Ảnh: Getty.
Được biết, Công chúa Reema bint Bandar sinh năm 1975 tại Riyadh, Saudi Arabia. Tuy nhiên, Công chúa Reema có nhiều năm sinh sống ở nước Mỹ trong thời gian cha bà, ông Bandar bin Sultan Al Saud, làm Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ từ năm 1983 đến 2005. Ảnh: CNN.
Tân Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ từng theo học tại Đại học George Washington và tốt nghiệp chuyên ngành Bảo tàng. Sau khi tốt nghiệp, bà quay trở về thủ đô Riyadh. Ảnh: ABC.
Trong thời gian học nghiên cứu bảo tàng, Công chúa Reema đã thực tập tại Viện Thế giới Ả-rập tại thủ đô Paris (Pháp) và Bảo tàng nghệ thuật Sackler ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: Telegraph India.
Trong thập niên qua, Công chúa Reema đã đóng góp nhiều sáng kiến, cả trong lĩnh vực tư và công cộng. Ảnh: EW.
Được biết, sau khi trở về Saudi Arabia vào năm 2005, Công chúa Reema đồng sáng lập Yibreen - trung tâm gym và spa cho phụ nữ. Sau đó, bà được bổ nhiệm vào vị trí CEO tại công ty Al Hama LLC và cũng là CEO của tổ chức Alfa International trong nhiều năm. Ảnh: BI.
Công chúa Reema là một doanh nhân năng động. Năm 2013, bà đã thành lập công ty Alf Khair. Bà cũng là thành viên của Hội đồng Tư vấn Sáng kiến Doanh nhân nữ của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Twitter.
Về đời tư, Công chúa Reema đã kết hôn với Hoàng tử Faisal bin Turki bin Nasser bin Abdulaziz Al Saud và có hai người con (một trai, một gái). Tuy nhiên, cặp đôi đã ly hôn vào năm 2012. Ảnh: IM.
(Kiến Thức) - Bà Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un, tiếp tục tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Việt Nam dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sáng 26/2, Chủ tịch Kim Jong-un đã tới Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vào ngày 27-28/2. Trong đoàn tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên có em gái của ông, bà Kim Yo Jong. Ảnh: Reuters.
Khi đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) sáng nay, bà Kim Yo Jong được nhìn thấy mở cửa lên xuống tàu và bước ra ngoài quan sát. Ảnh chụp màn hình VTV24.
Bà Kim Yo Jong đã quan sát sân ga Đồng Đăng từ cửa lên xuống tàu, trước khi ông Kim Jong-un bước xuống trong sự chào đón nồng nhiệt của quan chức và người dân Việt Nam. Ảnh: Zing.vn.
Được biết, trước khi bà Kim Yo Jong xuất hiện, ông Kim Chang Son, người có vai trò như Chánh văn phòng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã bước ra khỏi tàu trước và quan sát xung quanh. Ảnh chụp màn hình VTV24.
Hình ảnh bà Kim Yo Jong tại ga Đồng Đăng. Ảnh chụp màn hình VTV24.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Hà Nội gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
(Kiến Thức) - Gần 21h tối nay 26/2, chuyên cơ Không Lực Một đưa Tổng thống Donald Trump trở lại Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn một năm. Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày mai.
21h45: Chiếc The Beast cùng đoàn xe hộ tống Tổng thống Mỹ về tới khách sạn Marriott.
21h30: Trên đường từ sân bay Nội Bài về khách sạn,Tổng thống Donald Trump tỏ ra thân thiện khi hướng về phía phóng viên, người dân mỉm cười và vẫy tay chào.
21h15: Hơn 21h, Tổng thống Mỹ Donal Trump bước xuống máy bay, bắt tay Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đoàn ra đón.
Sau nghi lễ đón tiếp ngắn gọn, 21h10, Tổng thống Mỹ lên một trong hai chiếc Cadillac One "The Beast 2.0" di chuyển về khách sạn Marriott.
Lực lượng Cảnh sát giao thông dẫn đoàn xe chở Tổng thống Mỹ đi theo ra cổng nhà khách VIP A, chạy về phía đường Võ Nguyên Giáp - Nhật Tân.
Ảnh: Hoàng Hà/ZingNews
Ảnh: Hoàng Hà/ZingNews
21h00: 20h53 tối nay 26/2, chuyên cơ Không lực Một chở theo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài.
Ảnh: Hoàng Hà/ZingNews
Ảnh: Hoàng Hà/ZingNews
20h50:
Nhiều người dân làng Mễ Trì mặc áo dài, tay cầm hoa, cầm cờ với không khí tưng bừng ra đứng xếp thành hàng dài trên đường Đỗ Đức Dục, trước khách sạn Mariott để chào đón Tổng thống Mỹ
Ảnh: Mạnh Hưng
Ảnh: Mạnh Hưng
20h25: Dọc đường Đỗ Đức Dục gần khách sạn Marriott, hàng trăm người dân tập trung hai bên đường mong chờ đoàn xe của Tổng thống Donald Trump.
Ảnh: Mạnh Hưng
19h45: Công an Hà Nội thông báo, từ 19h đến 22h ngày 26/2, tạm cấm ôtô chở khách, hàng hóa và hạn chế đối với xe ôtô, môtô cá nhân hoạt động trên các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, vành đai II trên cao, Láng (đoạn từ ngã 4 Cầu Giấy - Láng đến đoạn Láng - Trần Duy Hưng), Trần Duy Hưng, đại Lộ Thăng Long, đường gom phải đại lộ Thăng Long (đoạn từ Trần Duy Hưng đến Lê Quang Đạo), Đỗ Đức Dục, Miếu Đầm, Phạm Hùng.
19h20: Khoảng 19h20, hai chiếc Cadillac One cùng đoàn xe hộ tống đã tới sân bay Nội Bài, chuẩn bị đón Tổng thống Donald Trump. Chiếc Không lực Một dự kiến hạ cánh xuống Nội Bài vào khoảng 21h.