Giới trẻ học kiếm đạo Nhật Bản giữa Sài Gòn
(Kiến Thức) - Không khí hào hứng say mê cùng những động tác nhanh nhẹn, dứt khoát của những kiếm sĩ khiến chúng tôi như bị hút vào một "Nhật Bản thu nhỏ" giữa Sài Gòn.
5h30 sáng, CLB Nitoukan võ đường Kendo nhà tập luyện thể thao Phú Thọ, quận 11 (TP HCM) đã vang lên những tiếng thét dõng dạc, các kiếm sinh đeo mặt nạ, y phục đen, tay cầm kiếm thét vang.
Gian nan truyền "đạo"
Ông Kanesika Keisuke, võ sư người Nhật Bản đang huấn luyện tại nhà tập luyện thể thao Phú Thọ là một ông cụ đậm người, râu tóc bạc trắng và vẻ mặt hiền hòa. Nghe đến tuổi 83 của ông, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh lão sư Trương Tam Phong cha đẻ của phái Võ Đang bên Trung Quốc. Võ sư kể lại những ngày tháng gian nan truyền "đạo" của mình.
Năm 2002, 72 tuổi ông từ Nhật Bản đến TP HCM một mình, hành trang mang trên mình là môn võ kiếm đạo với tâm huyết tìm học trò để truyền dạy. Một thân một mình trên đất lạ, ông gặp khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ để giao tiếp, ông tự tìm đến các câu lạc bộ võ thuật quận 1, quận 5, quận 10 và hồ bơi Cộng Hòa để giới thiệu môn võ của mình, đồng thời hỏi thăm và mướn mặt bằng để chiêu sinh. Thời đó không có mấy người ưa thích môn này mà chỉ tập trung cho các môn võ cổ truyền trừ một số người Nhật Bản sang Việt Nam làm ăn hoặc những người Việt từng làm việc tại Nhật trở về mới biết.
|
Một góc sàn tập CLB Kenyukai, trường chuyên Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM. |
Để có tiền duy trì mướn sân tập ông ăn xôi ngày hai bữa, chỗ nào đặt lưng được qua đêm là xin ngủ nhờ, gian nan lắm nhưng không nản lòng. Một người bạn là người Việt Nam từng làm việc tại Nhật Bản biết danh tiếng của ông tại Nhật đã cho ông tá túc 6 tháng mà không lấy một đồng nào. Ông xúc động: "Tôi luôn biết ơn anh ấy và gia đình, bây giờ anh ấy rất thành công với thương hiệu rượu Sake tại Việt Nam".
Tôi hỏi ông, tại sao đã vang danh ở Nhật nhưng ông lại chọn Việt Nam để đến, ông trả lời là từ nhỏ ông đã học môn kiếm đạo, năm 38 tuổi ông bắt đầu theo đuổi môn kiếm đạo chính thống của Nhật Bản và ông muốn phổ biến nó. Từng chứng kiến những đau thương trong chiến tranh ở nước Nhật, nghĩ đến người Việt Nam ở thời kỳ chiến tranh ông biết họ cũng khổ tận cùng. Vậy là ông tạm biệt gia đình đến với Việt Nam. Đến nay niềm vui của ông hơn mười năm dạy tại Việt Nam là có hàng ngàn môn sinh yêu thích môn này và rất yêu kính ông, từ những ngày đầu tiên vất vả ăn nhờ ở đậu đến nay ông có thể sống được bằng nghề huấn luyện của mình tại Việt Nam.
|
Mặc võ phục trước khi bước vào sàn tập. |
Tôn trọng và nhường nhịn
Quan sát sân tập của các võ sinh điều ấn tượng nhất là các động tác cúi chào nhau rất nhiều lần, vừa ở ngay ngưỡng cửa phòng tập, họ đã nghiêng người về hướng chính diện (shomen) để chào, đó là thể hiện sự tôn sư trọng đạo. Trước khi đặt chân sàn tập cũng cúi nhẹ người, tỏ ý trân trọng nơi tập luyện của mình. Khi hai môn sinh đối luyện với nhau, họ sẽ bắt đầu bằng câu: "Onegai shimasu" (xin chỉ giáo), đó là thể hiện sự nhún nhường cũng như biết ơn người kia đã cho mình cơ hội được luyện tập, phần đối luyện được kết thúc bằng câu cảm ơn.
Tại sân tập trường chuyên Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM, tuy đã 10 giờ đêm nhưng các kiếm sinh đang rất hăng say tập. Võ đường khá rộng nên có khoảng 200 người chia thành nhiều nhóm. Môn sinh Trần Tuân thuộc CLB Kenyukai cho biết, ở sân này mọi người đều đi làm ban ngày nên tranh thủ tập buổi tối, 8 giờ tối mới bắt đầu nên buổi tập sẽ kéo dài khoảng hơn 10 giờ.
Tập Kendo có một số quy tắc bất thành văn như khi hai môn sinh giao đấu với nhau, môn sinh cấp cao hơn sẽ tự hạn chế sử dụng những đòn mà người kia chưa học, nhằm đảm bảo công bằng cho trận đấu. Hoặc khi nam giao đấu với nữ, môn sinh nam sẽ hạn chế sử dụng những đòn nặng về sức mạnh cơ bắp. Mỗi khi bị đánh trúng đòn, môn sinh sẽ khẽ cúi đầu, tỏ ý thán phục đối thủ. Đặc biệt là không đánh sau lưng đối phương, cuối buổi tập sẽ ngồi thiền giúp cho người điều hòa thư thái, giúp mình trở nên điềm tĩnh, an nhiên tự tại.
|
Ông Kanesika Keisuke, võ sư người Nhật Bản. |
Võ phục Kendo gồm: Kiếm tre, mủi bao bằng da, dây da cột ở phần trên, dây vàng chạy dài theo bản lưng. Bao tay da, bao da bao bọc tay cầm. Dụng cụ bảo vệ che mặt, đầu, lưới sắt che mặt, bảo vệ và che vai, bảo vệ cổ họng, bảo vệ tay và khuỷu tay, bảo vệ ngực và ức, bảo vệ đùi, hông...
Môn sinh Hồng Minh, sân tập CLB Tinh Võ, quận 5, TP HCM cho hay, những ai đã đến với bộ môn Kendo thì sẽ theo học và luyện tập cả đời, rất hay là những người đi tập thì tự giác rất cao, nếu hôm đó vắng thầy thì các môn sinh tự tập với nhau một cách nghiêm túc. Kendo có tám đẳng, khi đạt đến độ nhuần nhuyễn thì nhìn cách vung kiếm sẽ biết được đẳng cấp đến đâu.
Một yếu tố quan trọng trong luyện tập chính là tiếng thét kiai kết hợp với đường đi của lưỡi kiếm nên sân tập khá ồn ào. Tiếng thét khi xuất kiếm có tác dụng làm đối phương khiếp sợ hoặc mất trọng tâm. Anh tập Kendo đã 8 năm, trước tiên là sức khoẻ, sau đó là rèn luyện tin thần để lúc nào cũng thấy vui vẻ yêu đời dù áp lực nhiều từ công việc.
Kendo trong tiếng Nhật Bản nghĩa là Kiếm Đạo - Đường của kiếm (ken - Kiếm, do - Đạo), được bắt nguồn từ môn kiếm thuật của các Bushido (Võ Sĩ Đạo) và Samurai (Hiệp sĩ), kiếm đạo được xây dựng dựa trên nhiều kĩ thuật chiến đấu bằng kiếm, nó rèn luyện những kỹ năng về thể lực và tâm lý trong chiến đấu. Mục tiêu của Kiếm đạo không chỉ là phát triển thể lực dành cho thực chiến mà còn là rèn luyện tinh thần và nghị lực, hai điều này rất cần thiết trong cuộc sống đời thường. Người Nhật thường ví von môn kiếm đạo chính là: "Sửa soạn cho thời son trẻ và một niềm vui sót lại cho tuổi già".