Không còn nhiều trường hợp giun chui lên lỗ mũi, nhưng BS Nguyễn Quốc Thái, khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, cho biết nếu gặp điều kiện thuận lợi, loài ký sinh trùng này vẫn di chuyển khắp nơi trong cơ thể, trong đó có mũi.
“Bệnh nhân uốn ván và viêm màng não phải đặt ống thông dạ dày để cho ăn. Không biết có phải do ống thông luồn từ mũi vào dạ dày giúp giun di chuyển dễ dàng không mà nhiều bệnh nhân đã bị giun chui ra ngoài từ lỗ mũi?”, bác sĩ Thái băn khoăn.
Bác sĩ cũng chia sẻ thêm, rất nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Truyền nhiễm với triệu chứng nôn nhiều, đau bụng dữ dội. Khi nắn bụng bệnh nhân, thấy có khối khu trú như u; chụp X quang có hình ảnh tắc ruột nhưng không nghĩ do giun. Khi quyết định mổ, tìm vị trí gây tắc ở ruột, họ bất ngờ vì thấy búi giun to bên trong.
Bên cạnh các loại giun lây truyền qua đất như giun đũa, tóc, móc, ở Việt Nam còn hay gặp một số loại giun sán khác lây truyền do tập quán ăn rau sống từ thực vật thủy sinh (rau ngổ, cải xoong...) và ăn gỏi, nem, thịt tái. Đó là các loại ký sinh trùng sán lá gan lớn, sán lá ruột, dây lợn, dây bò. Giun lươn cũng là ký sinh vật nguy hiểm đối với những người có tình trạng suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
Tỷ lệ mắc giun sán hiện nay đã giảm. |
Theo đó, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là đôi tay, các thầy thuốc khuyến cáo nên ăn chín, uống sôi để phòng tránh các loại ký sinh trùng làm tổ trong cơ thể.