Chiều 30/10, trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết bão Goni hoạt động ở ngoài khơi Philippines đã mạnh thành siêu bão.
Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, lúc 13h, Goni đạt cường độ mạnh nhất là 198 km/h, tương đương cấp 16. Theo thang sức gió, đây được coi là cấp siêu bão. Trong khi đó, cơ quan khí tượng Mỹ cho biết siêu bão Goni đang duy trì cường độ mạnh cấp 17-18.
Cơ quan khí tượng Hong Kong dự báo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định nằm trong vùng ảnh hưởng bão số 10. Ảnh: HKO. |
Cả hai đơn vị này đều nhận định siêu bão có thể đổ bộ đất liền Philippines khoảng chiều 1/11 với sức gió yếu hơn thời điểm hiện tại 1-2 cấp.
Sau khi đổ bộ Philippines, do ma sát với đất liền, bão Goni giảm cấp, đi vào Biển Đông khoảng tối 1/11. Thời điểm tiếp cận Biển Đông, bão có cường độ mạnh nhất cấp 12, giật cấp 14 và tiếp tục giảm cấp sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa trưa 3/11.
Nguyên nhân bão có thể giảm cấp là không khí lạnh tăng cường tràn xuống, làm lạnh vùng biển phía trong khiến càng di chuyển gần đất liền nước ta, hình thái này càng suy yếu. Đồng thời, không khí lạnh làm bão thay đổi hướng di chuyển, đi hơi chếch xuống dưới, vị trí đổ bộ gần giống bão số 9.
"Nếu không có không khí lạnh thì cơn bão này hoàn toàn có thể giữ sức gió mạnh cấp 13-14 và đổ bộ vào Quảng Bình. Nhưng không khí lạnh tăng cường tràn xuống trước đó sẽ khiến bão giảm cấp và đổi hướng đi, khả năng hướng thẳng vào Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Thời điểm đổ bộ đất liền khoảng ngày 4/11", bà Lan nói.
Nhận định ban đầu về mức độ ảnh hưởng của bão Goni tới đất liền nước ta, chuyên gia cho biết trước hết, bão gây mưa cho các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ở trước và thời điểm trực tiếp đổ bộ. Sau đó, hoàn lưu bão tương tác với không khí lạnh có thể tiếp tục gây thêm một đợt mưa lớn cho các tỉnh Bắc Trung Bộ ngày 5-6/11.
Hình ảnh vệ tinh của siêu bão Goni chiều 30/10. Ảnh: nict.go.jp. |
Chuyên gia cũng cho rằng dự báo còn khá xa nên sẽ có sai số, đồng thời hướng di chuyển của bão Goni rất phức tạp do chịu nhiều tác động của các hình thái thời tiết khác nhau. Người dân cần liên tục cập nhật diễn biến của bão số 10 trong những ngày tới.
Phân tích thêm về hình thái tác động, bà Lan cho biết thời điểm bão đang di chuyển trên Biển Đông, ngoài khơi Philippines tiếp tục xuất hiện siêu bão Atsani. Hình thái này được dự báo đổ bộ Philippines rồi di chuyển vào Biển Đông.
Do đó, nếu khoảng cách của Goni và Atsani đủ gần, hai hình thái này sẽ tương tác và ảnh hưởng đến hướng đi, cường độ của nhau. Dù vậy, mức độ ảnh hưởng chưa thể nói trước bởi diễn biến của hai cơn bão trong những ngày tới còn thay đổi.
"Nửa đầu tháng 11, bão trên Biển Đông còn rất phức tạp. Người dân khu vực miền Trung, nhất là Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cần đặc biệt lưu tâm vì các đợt mưa lớn do bão còn tiếp diễn", chuyên gia khuyến cáo.