Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Thông tin & Truyền thông. Ảnh: Trọng Đạt. |
Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông giảm giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng di động từ ngày 1/5/2018. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện việc bổ sung đăng ký thông tin cá nhân nhằm hạn chế tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.
Bộ TT&TT là cơ quan đi đầu trong việc triển khai đề án Số hoá truyền hình, được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành số hoá truyền hình mặt đất. Hiện một nửa dân số Việt Nam có thể xem được các chương trình truyền hình số.
Về lĩnh vực CNTT, cả nước hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp CNTT, 4 khu CNTT tập trung đã hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT ước đạt 1.026.000 tỷ đồng, tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu phần cứng ước đạt 912.800 tỷ đồng, nộp ngân sách 20.000 tỷ đồng, xuất khẩu CNTT của Việt Nam đạt 918.384 tỷ đồng.
Cảnh giác mã độc tấn công, SIM rác quay trở lại
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành TT&TT còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại cần phải giải quyết trong năm 2018 và thời gian tiếp theo.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng tin nhắn rác, SIM kích hoạt sẵn, việc bổ sung thông tin cá nhân của thuê bao di động theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP phải kéo dài thời gian do quá nhiều thuê bao phải bổ sung thông tin.
Tại một số thành phố lớn, do có đặc điểm nhiều nhà cao tầng, việc triển khai các trạm viễn thông BTS gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn tới hiện tượng người dân tự ý mua thiết bị kích sóng lắp trong nhà để tăng vùng phủ sóng.
Việc người dân tự ý sử dụng những thiết bị mà chỉ doanh nghiệp được phép dùng đã gây ảnh hưởng đối với hệ thống kỹ thuật thông tin. Ngoài ra, một số tuyến cáp quang biển còn gặp sự cố làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet.
Ngành Nội dung số trong nước đang gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều sức ép do sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam.
Trong thời gian qua, xảy ra một số vụ việc liên quan đến hoạt động thanh toán các dịch vụ nội dung số, trong đó có trò chơi điện tử trực tuyến. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến ngành dịch vụ nội dung số. Việc dừng thanh toán game bằng thẻ cào dẫn đến nguy cơ toàn bộ dòng tiền thanh toán trò chơi điện tử trực tuyến trong nước sẽ “chảy” qua kênh của Google, Apple và khiến cho doanh nghiệp nội dung số trong nước gặp khó khăn hơn.
Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT làm xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa an ninh quốc gia từ không gian mạng. Nguy cơ sự cố mất ATTT từ mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) đang gia tăng nhanh chóng.
Nhiều máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus, mã độc đào tiền ảo qua dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Các chiến dịch tấn công lừa đảo vẫn tiếp tục được các đối tượng thực hiện nhắm vào người dùng Internet Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư Nhà nước cho ứng dụng CNTT tại một số địa phương, bộ ngành vẫn còn ở mức chưa tương xứng.
Tích cực đấu tranh, buộc Facebook, Google tôn trọng pháp luật Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, toàn ngành TT&TT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong công tác cải cách hành chính, Bộ TT&TT đã vươn lên đứng thứ 2/19 trong Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ và cơ quan ngang bộ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thúc đẩy việc xây dựng các chính sách nhằm quản lý thị trường viễn thông, khuyến khích chuyển đổi thuê bao trả sau, hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Ảnh: Trọng Đạt. |