Gần 80 tuổi với 58 năm dành trọn cho nghiên cứu văn hóa, GS Trần Lâm Biền đau đáu nỗi niềm trăn trở: “Suốt hơn nửa thế kỷ chúng tôi đấu tranh cho việc tránh đồng hóa văn hóa, đến giờ người ta lại đưa những thứ lai căng như con tỳ hưu, sư tử hung dữ... vào không gian văn hóa của mình, tôi đau lắm!”.
GS Trần Lâm Biền cho biết, cuộc đời ông có nhiều điều trăn trở, nhưng điều ông tâm niệm lớn nhất, đặt lên cao nhất chính là dân tộc, văn hóa dân tộc. Ngày xưa, người phương Tây khi xâm lược Việt Nam, họ nghĩ rằng Việt Nam là cái đuôi của văn hóa Trung Hoa, cũng như các nước Đông Nam Á khác là cái đuôi của văn hóa Ấn Độ. Ông đã lặn lội đi tìm câu trả lời và đã chứng minh được rằng, không phải vậy.
Người Việt Nam có tổ chức xã hội khác, không giống bất cứ quốc gia nào, cư dân được sinh ra bởi lịch sử và hoàn cảnh xã hội, chính quyền Trung ương giương cao ngọn cờ tập hợp lực lượng, chính quyền không bao giờ xa dân. Đó không phải là sự cai trị kiểu lãnh chúa, địa chủ với dân đen, mà ở đó người dân là chủ thể.
Rồi về văn hóa nghệ thuật, Việt Nam có sự giao lưu nhưng không nhất nhất cái gì cũng theo Trung Hoa. Văn hóa người Việt là văn hóa nông dân, tư duy nông nghiệp trong môi trường thân thiện của vườn ruộng chứ không phải văn hóa phục vụ cho tầng lớp trên. Bởi thế mà nó luôn mượt mà, êm đềm, tình cảm.
“Đi vào làng xã Việt Nam là cảm nhận ngay sự ấm cúng, thân mật. Làng xã là cả một di sản văn hóa, người ta đối xử với nhau nặng tình, tính cộng đồng mạnh mẽ. Khi gặp khó khăn, sẵn sàng đoàn kết và hy sinh đến cùng để giành chiến thắng. Cách con người ứng xử với nhau cũng trên nền tảng văn hóa đó.
Về cơ bản, đến nay chúng ta vẫn giữ được điều này, nhưng có những người không hiểu biết đã nhập văn hóa ngoại lai vào đất nước. Người ta đem những con tỳ hưu, sư tử đá hung dữ đầy cơ bắp đe dọa, giống như áp chế, đặt ở các không gian văn hóa. Trong khi con lân, con nghê Việt Nam hiền hòa, trí tuệ, để con người rèn tâm tốt lành, thánh thiện thì không được nhắc đến”, GS Trần Lâm Biền trăn trở.
Dù hiện đã có các quy định về quản lý tượng “ngoại lai” nhưng cũng chỉ thực hiện ở một số nơi nhất định. Vẫn còn có những nơi người ta chưa hiểu hết. “Bao nhiêu năm chúng tôi chống lại “Hoa hóa” mà giờ người ta làm thế, chúng tôi đau lắm!”.