Không có liêm chính khoa học, phát triển chỉ là tự dối mình
GS.TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Mai Loan. |
GS.TSKH. Helmut Schwarz, Chủ tịch Quỹ Alexander von Humboldt trao Bằng chứng nhận giải thưởng cho GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng. Ảnh: NVCC. |
Ông là tác giả chính của hơn 100 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học; chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ.
Trong đó, công trình khoa học "Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới có cấu trúc không gian ba chiều" của ông đã nhận được Giải thưởng khoa học cao quý Friedrich Wilhelm Bessel-Forschungspreis do quỹ học bổng danh giá Alexander von Humboldt (CHLB Đức) trao tặng và được trực tiếp vinh danh bởi Tổng thống Đức Joachim Gauck năm 2012.
Với công trình này, năm 2013, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng người Việt Nam đầu tiên và là một trong 4 nhà khoa học châu Á cho đến nay được nhận giải thưởng được ví như giải Nobel y học của Đức này.
Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo ra các tổ chức sống mới tự thân của GS.Nguyễn Thế Hoàng là một kỹ thuật hết sức phức tạp và cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều chuyên ngành khác nhau. Theo GS.Hoàng, người ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, dựa trên nguyên lý của phương pháp này, giấc mơ của người thầy thuốc và của BN trong việc tạo ra các bộ phận thay thế trên cơ thể con người bằng chính tổ chức tự thân như: tạo ra tai, mũi, một đoạn xương, đoạn khớp, hay thậm chí là cả một quả tim, quả thận, một đoạn ruột, một cánh tay, hay một bàn tay, bàn chân… sẽ có thể trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.
GS.TSKH. Schwarz, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Đức cùng Hội đồng chọn lựa đánh giá, đề tài nghiên cứu này cho phép mở ra những tiềm năng ứng dụng tương lai rất lớn trong điều trị lâm sàng mà đặc biệt là trong lĩnh vực y học tái sinh.
GS.TSKH E. Biemer, nguyên Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật và phẫu thuật tạo hình của CHLB Đức, cũng cho rằng: “Vi tuần hoàn và nuôi cấy tế bào chính là tương lai của y học hiện đại, mà đặc biệt là đối với chuyên ngành ngoại khoa và lĩnh vực ghép tạng”.
Trước đó, GS Nguyễn Thế Hoàng được biết đến là 1 trong 5 phẫu thuật viên tham gia thực hiện ca mổ ghép cả 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới tại thành phố Munich, Cộng hòa liên bang Đức vào năm 2008. Sau thành công của ca mổ, GS Nguyễn Thế Hoàng cùng nhóm phẫu thuật viên được trao giải thưởng thành tựu khoa học Karl Max Von Bauerfeind của Đại học Tổng hợp Munich, Cộng hòa liên bang Đức.
Sau khi trở về nước, ông cùng với các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài lớn về ghép tạng (ghép tim, phổi, giác mạc, chi thể,...). Năm 2020, ca ghép chi thể đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện ghép chi thể thành công và cũng là ca ghép chi thể từ người cho còn sống đầu tiên trên thế giới.
Cho đến nay, GS Nguyễn Thế Hoàng cùng đội ngũ các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện 4 ca ghép chi thể với 6 chi. Trong đó, có 2 ca ghép từ người cho còn sống và 2 ca ghép từ người chết não.