Theo chia sẻ của nhiều giao dịch viên, tháng 7 là tháng thấp điểm của hoạt động huy động vốn, khi các ngân hàng đã không còn ồ ạt tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất hoặc quà tặng đi kèm khi khách hàng đến gửi tiết kiệm.
Diễn biến chung trên thị trường lãi suất hiện nay cũng không có quá nhiều biến động.
Thống kê tại hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước, hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 8,6%/năm. Đây là mức lãi kỳ hạn 24 tháng, được VietCapitalBank đưa ra cho các khách hàng của mình.
Ngoài ra, các khoản tiền gửi kỳ hạn dài trên 24 tháng tại nhà băng này đều được hưởng mức lãi suất tương tự.
Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đưa ra mức lãi suất tiền gửi trên 8%/năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Gửi tiết kiệm kỳ hạn dài (trên 13 tháng) ở đâu?
Hiện nay, khá nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi dài hạn (trên 13 tháng) vượt 8%/năm, nhưng hầu hết đều đi kèm yêu cầu về hạn mức gửi tiền của khách lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn có một số nhà băng đưa ra mức lãi suất ưu đãi trên với khách hàng của mình mà không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.
Bên cạnh VietCapitalBank, CBBank cũng đang đưa ra mức lãi tiền gửi kỳ hạn 13 tháng cho các khách hàng ở mức 8,2% mà không yêu cầu hạn mức gửi tối thiểu.
Ngoài ra, các ngân hàng cỡ nhỏ như VietBank; NCB; BaoVietBank cũng áp dụng mức lãi suất 8% ở kỳ hạn này cho các khách hàng của mình.
Sacombank và Eximbank là hai nhà băng tư nhân lớn niêm yếu lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng ở mức 8%/năm mà không có yêu cầu đi kèm. Thậm chí, đây đã là hệ số lãi cao nhất mà hai ngân hàng này niêm yết hiện nay.
Nếu gửi tại các ngân hàng lớn, người gửi buộc phải hạ lãi suất kỳ vọng xuống từ 1% đến 1,5% so với nhóm ngân hàng trên.
Cụ thể, lãi suất huy động trên 13 tháng tại các ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV hiện chỉ vào khoảng 6,6-6,8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng cỡ nhỏ.
Thậm chí, khách hàng ưu tiên của các nhà băng này cũng chỉ được hưởng mức lãi suất tối đa là 6,9%/năm cho các kỳ hạn dài hơn.
Ngân hàng Lãi suất gửi 13 tháng
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng này hiện vẫn là nơi thu hút nhiều tiền gửi của người dân nhất nhờ việc đã xây dựng thương hiệu từ lâu, và mạng lưới phòng giao dịch, chi nhánh phân bổ rộng cả các tỉnh vùng nông thôn.
Nếu chọn gửi tiền vào nhóm ngân hàng tư nhân lớn như ACB; Techcombank, MBBank, SHB… mức lãi suất dài hạn khách hàng được hưởng sẽ trên, dưới 7% mỗi năm.
Gửi tiền kỳ hạn 12 tháng
Kỳ hạn 12 tháng đang có sự phân hóa lớn giữa các nhóm ngân hàng, chênh lệch lãi suất giữa hơn 30 ngân hàng ở kỳ hạn này lên tới 1,6%/năm.
Trong khi nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chỉ đưa ra mức lãi suất tiền gửi dưới 7% cho khách hàng, thì nhóm ngân hàng tư nhân lớn phổ biến đưa ra ở mức 7-7,4%. Còn nếu chấp nhận gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ, người gửi sẽ được hưởng mức lãi suất trên 8%, tương đương các kỳ hạn dài.
CBBank đang là ngân hàng có lãi suất 12 tháng tốt nhất, ở mức 8,2%, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh chỉ đưa ra mức lãi khoảng 6,8%/năm.
Khác với đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân hiện cũng đã giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn này xuống mức thấp như Techcombank, Eximbank, SeABank cùng là 6,8% hay LienVietPostBank là 6,9%/năm...
Lãi tiền gửi sẽ tăng nhiều hơn nếu gửi vào một số nhà băng tư nhân khác như MSB. Nhà băng này hiện niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 6,9% với khoản tiền dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu hạn mức gửi tăng lên lãi suất thực lĩnh cũng sẽ tăng tương ứng, tối đa là 7,3%/năm với khoản tiền trên 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, nếu chọn gửi vào các ngân hàng như MBBank, SHB, TPBank, VIB, hay VPBank… mức lãi suất phổ biến khách hàng nhận được sẽ trong khoảng 7,2-7,4%/năm.
Còn nếu ưu tiên lãi suất trong việc gửi tiết kiệm, các ngân hàng cỡ nhỏ như CBBank, NCB hay VietCapitalBank là lựa chọn tối ưu nhất khi đều có mức lãi suất trên 8%.
Kỳ hạn 6 tháng và dưới 6 tháng
Với kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng), các ngân hàng đều bị khống chế trần lãi suất huy động ở mức 5,5% nên không có sự khác nhau về mặt lãi suất giữa các ngân hàng lớn, nhỏ. Hầu hết đều đưa ra mức lãi kịch biên độ 5,5% để thu hút người gửi tiền.
Tuy nhiên, ở kỳ hạn 6 tháng, khi không còn bị giới hạn trần lãi suất, tỷ lệ cạnh tranh giữa các ngân hàng lớn hơn rất nhiều, chênh lệch lãi suất ở kỳ hạn này hiện lên tới 2%/năm.
Trong đó, nhóm ngân hàng có lãi suất kỳ hạn này cao nhất thuộc về VIB 7,2-7,5% (tùy hạn mức gửi), hay các ngân hàng VietCapitalBank, NCB… cùng ở mức 7,4%.
VPBank là ngân hàng tư nhân lớn duy nhất niêm yết lãi suất trên 7% ở kỳ hạn này trong khi nhóm ngân hàng cùng quy mô đưa ra mức lãi thấp hơn rất nhiều như MBBank và Sacombank cùng ở mức 6,5%, ACB (6,4-6,7%), Techcombank (6,2-6,4%)…
Nếu lựa chọn nhóm ngân hàng thương mại cỡ vừa như MSB, mức lãi suất thực lĩnh của người gửi sẽ cao hơn, trong khoảng 6,5-6,8% ở nhóm kỳ hạn này.
Còn nếu chọn gửi tiền tại các ngân hàng có vốn nhà nước với hệ thống phòng giao dịch, điểm POS, ATM lớn, người gửi phải chấp nhận hạ lãi suất kỳ vọng xuống gần 2% ở kỳ hạn 6 tháng.
Hiện Agribank, BIDB, Vietinbank và Vietcombank chỉ đưa ra mức lãi 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Thậm chí, lãi tiền gửi kỳ hạn 9 tháng tại nhóm ngân hàng này cũng không vượt quá 6%/năm.