Hạ lãi suất về 0%: Thấy gì từ bức tranh tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng?
(Kiến Thức) - Chỉ tính riêng trong quý 1/2021 vừa qua, khi mặt bằng lãi suất huy động hầu như đi ngang và được cho là đã chạm đáy, thì sức hút của kênh gửi tiền ngân hàng đã suy giảm thấy rõ.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa qua đã gây nên một cuộc tranh cãi lớn khi đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm. VAFI cho rằng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ.
VAFI kỳ vọng việc đẩy lãi suất huy động về mức 0% sẽ kéo giảm lãi suất cho vay, kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất này không phù hợp thực tế, sẽ khiến hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Từ đó, hệ thống tài chính – tín dụng có thể bị rối loạn và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh…
Chỉ tính riêng trong quý 1/2021 vừa qua, khi mặt bằng lãi suất huy động hầu như đi ngang ở mức 3 – 4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,5 – 5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6 – 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Mức lãi suất này được cho là đã chạm đáy, thì sức hút của kênh gửi tiền ngân hàng đã suy giảm thấy rõ.
Có tới 10/29 ngân hàng suy giảm về tiền gửi khách hàng
Theo báo cáo tài chính quý 1/2021 của 29 ngân hàng, tính đến ngày 31/3/2021, tổng số dư tiền gửi khách hàng các nhà băng này hơn 7,61 triệu tỷ đồng, tăng 1,47% so với thời điểm 31/12/2020.
10 ngân hàng có lượng tiền gửi ngân hàng lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MBB, SHB, Techcombank và VPBank.
Trong đó, 3 “ông lớn” Nhà nước là BIDV, Vietcombank và VietinBank ghi nhận lượng tiền gửi đạt hơn 3,25 triệu tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng số tiền gửi khách hàng của 29 ngân hàng.
Ở khối ngân hàng tư nhân, SCB là nhà băng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất với 598.458 tỷ đồng, tăng 3,4%. Đứng sau đó là Sacombank với 431.137 tỷ đồng, tăng 0,7%. Ngoài ra, ACB, MB và SHB cũng là những nhà băng có lượng tiền gửi khách hàng trên 300.000 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, dường như chiếu dưới đã có một quý bứt phá mạnh trong đó nổi bật nhất là KienLongBank với mức tăng ấn tượng tới 13,61% để đạt con số 47.738 tỷ đồng thu hút tiền gửi của khách hàng.
Tiếp theo là VietABank (6,29%), OCB (5,97%), HDBank (5,94%), PVcomBank (5,57%), MBB (5,46%)... Còn ở nhóm trên, VietinBank tăng 1,35% để cán mốc triệu tỷ đồng.
Ngược lại, ngành ngân hàng cũng ghi nhận tới 10/29 nhà băng có chỉ tiêu tiền gửi khách hàng suy giảm, trong đó có sự "đóng góp" của 2 ông lớn BIDV và Vietcombank.
Cụ thể, khoản mục tiền gửi khách hàng của BIDV dù ở mức cao nhất trong tất cả cả nhà băng với hơn 1,22 triệu tỷ đồng, nhưng vẫn giảm nhẹ 0,06% so với đầu kỳ. Theo sát phía sau là Vietcombank với 1,02 triệu tỷ đồng, giảm 0,64%.
Nhưng con số đáng ngại nhất lại chính là VietCapitalBank khi giảm tới 6,56% về còn 38.660 tỷ đồng. PGBank giảm 1,85% ở mức 28.206 tỷ đồng; SaiGonbank cũng giảm 1,75% về 18.508 tỷ đồng.
Năm qua, dù NCB đã cố gắng đưa ra khá nhiều mức lãi suất ưu đãi hơn so với thị trường song chỉ tiêu tiền gửi của nhà băng này vẫn giảm 1% về mức 71.362 tỷ đồng.