Hầm chui Lê Văn Lương là dự án giao thông trọng điểm không chỉ góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự giao thông cho trung tâm Hà Nội mà còn đáp ứng lưu lượng giao thông tăng cao trong tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ thông xe, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Nút giao giữa trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu giao với đường Khuất Duy Tiến là nút trọng điểm và phức tạp, có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn.
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô.
|
Hà nội chính thức thông xe hầm chui Lê Văn Lương |
Sau gần 2 năm thi công, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thi công trong điều kiện vừa đảm bảo giao thông vừa tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, đến nay đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình của dự án đầu tư, đảm bảo chất lượng, mỹ quan và đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng.
Thông tin về dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (đơn vị Chủ đầu tư) cho hay: Hầm chui có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trực thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475 m, trong đó hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380 m (mỗi bên 190 m).Tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP.
Mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm hai làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5 m. Phần hầm hở mỗi chiều rộng 7,75 m, phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng một mét.
Dự án được khởi công tháng 10/2020, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Fecon - Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng.
"Song song với việc làm hầm chui, đơn vị thi công đã xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương với chiều dài trên 300 m; xén hè mở rộng đường Tố Hữu khoảng 400 m.
Sau khi thông xe nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay, góp phần giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu.", ông Cường nói.
Đây là hầm chui thứ tư của Hà Nội đi vào hoạt động, trước đó hầm Kim Liên - Xã Đàn khánh thành năm 2009, kết nối đường Trần Khát Chân và Kim Liên, Xã Đàn thuộc vành đai 1. Hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với đại lộ Thăng Long và hầm nút giao Thanh Xuân (giữa đường Nguyễn Trãi với vành đai 3) cùng đưa vào sử dụng năm 2016.
Từ hôm nay, sau thông xe, theo phương án phân luồng của Sở GTVT Hà Nội, phương tiện được đi hai chiều trên nút giao hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại.
Phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu mà phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại hai điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu. Xe thô sơ, người đi bộ, phương tiện cao quá 4,75 m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương. Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT qua đoạn đường này cũng được khôi phục theo hiện trạng trước khi thi công hầm chui.