Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3307/UBND-KSTTHC về việc triển khai thực hiện Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.
Theo đó, từ ngày 20/10/2022, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.
Từ ngày 20/10, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch. (Ảnh minh họa) |
Đồng thời, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Đối với người nước ngoài, có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế...
Từ đó, để các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân có nhận thức tích cực, đồng thuận giúp đỡ các cơ quan chức năng, lực lượng công an có điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cấp căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử.
Để triển khai hiệu quả các nội dung của nghị định nêu trên, UBND thành phố đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức triển khai các quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.
Các địa phương, đơn vị chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an cấp huyện trên địa bàn tổ chức cấp căn cước công dân gắn chíp và xác thực định danh điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị gương mẫu thực hiện.
UBND thành phố Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập, vướng mắc để tham mưu, đề xuất UBND thành phố các giải pháp bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử.
Nghị định số 59/2022 vừa được ban hành nêu những quy định về định danh và xác thực điện tử, có hiệu lực từ ngày 20/10.
Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Về quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử, công dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip có thể đăng ký với cán bộ. Thông tin đăng ký gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email).
Trong trường hợp có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội... thì mang các loại giấy tờ gốc đối chiếu.
Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ.
Trong đó, mức độ 1 gồm những thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Ở mức 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến về thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng...
Đối với mức 2, tài khoản này có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân (vân tay). Với tài khoản này, người dân được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, chuyển tiền...).
>>> Mời độc giả xem thêm video Công an Hà Nội cấp 2,5 triệu căn cước công dân gắn chip
Nguồn: VTV1