Hà Nội ra Chỉ thị về công tác tuyển quân năm 2024

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân năm 2024.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2023, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (gọi chung là công tác tuyển quân) được Thành ủy, UBND TP thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị...
Ha Noi ra Chi thi ve cong tac tuyen quan nam 2024
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của Thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân năm 2024. Ảnh minh họa: Phạm Hùng 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân năm 2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ thị cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mọi tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện; kiện toàn Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp bảo đảm đúng, đủ số lượng theo quy định của pháp luật và tổ chức hoạt động có hiệu quả...
Tiếp tục quán triệt và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sâu, rộng trong nhân dân trên địa bàn, chú trọng đối tượng là công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ nâng cao nhận thức về ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của công tác tuyển quân; phát huy truyền thống dân tộc, truyền thống Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng;
Các sở, ban, ngành phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú phù hợp với từng địa phương để tạo phong trào quần chúng sôi nổi. Đồng thời cổ vũ, khích lệ, động viên thanh niên hăng hái nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố giao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì phối hợp với Công an Thành phố, các sở, ngành và cơ quan liên quan tham mưu với UBND TP chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tuyển quân năm 2024.
Công an thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ nhiệm vụ tuyển chọn công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đúng quy định, hoàn thành chỉ tiêu được giao.  

Bộ Quốc phòng trả lời việc xử lý người trốn khám nghĩa vụ quân sự

Theo Bộ Quốc phòng, hành vi vi phạm, không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Có ý kiến cử tri cho rằng, Điều 332, Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ Luật Hình sự) quy định “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự chỉ quy định không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện mà không quy định lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Do đó, công dân không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính mà không thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 332, Bộ Luật Hình sự.
Từ những vấn đề trên, cử tri đề nghị xem xét trình Quốc hội bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế để công tác tuyển quân có chế tài răn đe đối với những trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Bo Quoc phong tra loi viec xu ly nguoi tron kham nghia vu quan su
Thanh niên Hà Nội nhập ngũ năm 2023. Ảnh: TTXVN.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời, nêu rõ Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Theo đó, “trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.
Đồng thời, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 cũng quy định “Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Trên cơ sở quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 về các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm, việc xử lý hình sự được quy định cụ thể tại Điều 332 Bộ luật Hình sự.
Với quy định tại Bộ luật Hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Bộ Quốc phòng đã góp phần răn đe, ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm liên quan trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những vướng mắc như cử tri phản ánh, thực tiễn trong những năm qua việc xử lý hành vi vi phạm trong sơ tuyển và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự còn khó khăn và chưa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật do hành vi vi phạm không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu, phối hợp các ban, bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Điều 332 Bộ luật Hình sự theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV;
Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, theo đó các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện sẽ được sửa đổi, bổ sung phù hợp bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ: Thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam

Chiều 4/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2023 (ASEAN BIS) năm 2023.

Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động của Thủ tướng khi đến Indonesia dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.
ASEAN BIS là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN; với sự tham dự của nguyên thủ các nước ASEAN và các nước đối tác; các bộ trưởng, quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp lớn và uy tín của ASEAN và thế giới.
Tham dự Hội nghị năm nay có đại diện hơn 2.000 doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, trong đó có hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham dự trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị thu hút hơn 100 diễn giả quốc tế, trong đó có lãnh đạo nhiều nước ASEAN và các nước đối tác.
Với chủ đề: "ASEAN trong vai trò trung tâm: Sáng tạo để bao trùm hơn", ASEAN BIS 2023 tập trung thảo luận về 5 chủ đề chính bao gồm: Chuyển đổi số và phát triển bền vững; an ninh lương thực; y tế sức khỏe; đảm bảo hoạt động doanh nghiệp; và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) trong việc tổ chức Hội nghị.
Thu tuong Chinh phu: Thanh cong cua nha dau tu cung la thanh cong cua Viet Nam
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại ASEAN BIS 2023. Ảnh: Nhật Bắc
Những năm qua, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN đã phát huy vai trò là diễn đàn lớn nhất của doanh nghiệp trong khu vực để thực hiện đối thoại công - tư, đề ra các chiến lược, giải pháp nhằm vượt qua thách thức, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực.
Chia sẻ với các đại biểu, Thủ tướng nhận định thời gian qua, thế giới trải qua nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, như đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột, gây ra những "cơn gió ngược" với kinh tế thế giới và kinh tế các nước. Do đó, cần xác định tình hình luôn có khó khăn, thách thức đan xen với cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Với cục diện thế giới đa cực là một xu thế tất yếu, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét. ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định "là một cực trong thế giới đa cực", là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó.
Để ASEAN có thể tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và tận dụng, nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng chiến lược.
Theo đó, ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối, giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung của ASEAN; giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
ASEAN cần duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
ASEAN cần tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Cùng với đó, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Kiên định cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu với các vấn đề toàn cầu, toàn dân và trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Thu tuong Chinh phu: Thanh cong cua nha dau tu cung la thanh cong cua Viet Nam-Hinh-2
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với tinh thần thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc
Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Thủ tướng cho rằng chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn.
Theo đó, cần cùng nhau hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; khuyến khích và coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.
Thứ hai, cùng chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược để kết nối kinh tế, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, phát triển xanh…
Thứ ba, cùng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người.
"Những vấn đề trên cần phải được phối hợp ở cả ba cấp độ: Giữa chính phủ với chính phủ để hài hòa chính sách, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để đồng bộ trong triển khai, giữa chính phủ với doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, kết hợp hài hòa giữa sản xuất kinh doanh và nghiên cứu phát triển; phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để không có ai bị bỏ lại phía sau; nâng cao năng lực và đạo đức kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, kinh doanh bền vững; tuân thủ pháp luật, phát triển văn hóa trong doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa ASEAN đậm đà bản sắc; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ với tinh thần "trong tôi có bạn, trong bạn có tôi".
Thủ tướng khẳng định, là một đối tác tin cậy, thành viên tích cực có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước ASEAN khác nỗ lực để xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng ASEAN tự cường, phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và Cộng đồng ASEAN cũng như chính các doanh nghiệp.
"Về phần mình, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với tinh thần thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm:

(Nguồn: VTV4)



Tin mới