Hai cách tiếp cận trong tranh chấp Biển Đông

Hai cách tiếp cận trong tranh chấp Biển Đông
Phó giáo sư Simon Tay - Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA).
 Phó giáo sư Simon Tay - Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA).

Trong một bài viết đăng trên nhật báo "Today” của Singapore ra ngày 13/7, Phó giáo sư Simon Tay - Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA) – cho rằng tranh chấp tại Biển Đông không chỉ là mối đe dọa tiềm ẩn đối với bốn nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc tại vùng biển này mà còn ảnh hưởng tới sự đoàn kết nói chung của ASEAN, với biểu hiện cụ thể là cuộc họp của nhóm nước này vào năm ngoái tại Campuchia không ra được tuyên bố chung vì vấn đề nhạy cảm đó.
Tại cuộc họp năm nay, Brunei - với tư cách là chủ tịch ASEAN - đã cố gắng hết sức để giảm nhẹ vấn đề và đã đạt được kết quả đáng kể khi các bên đồng ý tiến hành tham vấn về một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo ông Simon, cũng có những lời cảnh báo rằng cuộc họp vào tháng 9 tới đây của các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc được “định nghĩa” là “cuộc tham vấn” chứ không phải là “cuộc đàm phán”.
Học giả Singapore cho rằng cuộc họp tại Brunei vào tháng trước “không đưa ra giải pháp mà chỉ để vấn đề tạm ngừng một thời gian”. Vì thế, ông đề xuất hai phương pháp tiếp cận mà ASEAN cần nghiên cứu để thực hiện cùng với quá trình tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Thứ nhất là tận dụng bối cảnh hợp tác Trung Quốc - ASEAN. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dường như đang cố giữ mối quan hệ này được êm đẹp và nếu như vậy thì ASEAN cần phải đáp trả. Thái Lan cần phải nêu cao vai trò của mình là nước điều phối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc, và hiện tại Thái Lan đang có điều kiện thuận lợi để làm việc này vì họ là một đồng minh của Mỹ và mặt khác họ có lợi ích kinh tế với Trung Quốc. Chính phủ Thái Lan đề xuất sáng kiến tổ chức một cuộc đối thoại cấp cao không chính thức giữa các quan chức ASEAN và Trung Quốc với các cơ quan nghiên cứu vào đầu tháng 8. Sáng kiến này có thể giúp tăng cường khuôn khổ hợp tác.
Phương pháp tiếp cận thứ hai là can dự hơn nữa vào các vấn đề chiến lược mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt. ASEAN phải nắm bắt cơ hội tại hai hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào tháng 10 tới, đó là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Indonesia chủ trì và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) do Brunei chủ trì.
ASEAN hoàn toàn có thể hướng chương trình nghị sự của EAS theo hướng giảm bớt sự tập trung vào các chủ đề kiểm soát thiên tai, an ninh hàng hải, an ninh lương thực và năng lượng, đa dạng sinh học - dù những chủ đề này vẫn được quan tâm - và tăng cường thảo luận các vấn đề có thể làm tăng niềm tin chiến lược. ASEAN cần nghiên cứu để hướng thảo luận của EAS vào hai chủ đề chính: an ninh năng lượng - môi trường và hiệp định thương mại - hội nhập kinh tế.
Vấn đề an ninh năng lượng và môi trường thu hút sự quan tâm của tất cả các nước tham gia EAS, đặc biệt là nước chủ nhà Brunei. Vấn đề năng lượng cũng liên quan tới tranh chấp hàng hải và tương lai khai thác các nguồn tài nguyên lớn. Đã có thí dụ về sự hợp tác và cùng phát triển để khai thác nguồn năng lượng tại khu vực tranh chấp, đó là giữa Thái Lan và Malaysia.
Phó Giáo sư Simon cho rằng chủ đề thứ hai cũng quan trọng vì Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đi đầu đang tiến tới thời điểm quan trọng và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN đóng vai trò trung tâm đang tiến triển tốt, cho dù hiệp định TPP không có sự tham gia của Trung Quốc và tất cả các nước thành viên ASEAN và hiệp định RCEP không có sự tham gia của Mỹ.
Ông Simon kết luận rằng các tranh chấp tại Biển Đông đã đang trở thành vấn đề thảo luận hàng đầu, nhưng điều quan trọng là các phiên tham vấn chính thức phải đạt được tiến bộ rõ ràng và phải có nhiều nỗ lực khác để đảm bảo hòa bình ở khu vực, chỉ khi đó thì hội nghị bộ trưởng tại Brunei mới thực sự có kết quả.

Tin mới