Mỗi ngày, khoảng 500 m3 nước thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương (Phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) được xả ra môi trường mà chưa được xử lý đã và đang gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân xung quanh và nguồn tiếp nhận nước thải.
Đó cũng là nỗi lo lắng của hàng nghìn người dân TP Hải Dương và vùng lân cận nơi tiếp xúc với nguồn nước thải này. Nhiều người dân phường Thanh Bình và người dân TP Hải Dương đã bày tỏ sự bức xúc và bàng hoàng khi biết thông tin về lượng nước thải y tế “khủng” từ hai bệnh viện lớn của tỉnh Hải Dương chỉ được xử lý sơ bộ qua hệ thống bể tự hoại và chảy trực tiếp ra hệ thống thoát nước của TP Hải Dương mỗi ngày.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. |
Trong báo cáo của Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Hải Dương tại Công văn số 1069/STNMT-CCBVMT ngày 19/10/2015 về việc xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương cũng khẳng định, hiện tại toàn bộ nước thải của hai bệnh viện phát sinh khoảng 500m3/ngày chưa xử lý đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT gây ô nhiễm môi trường sống.
Một điều kinh hoàng hơn nữa, không chỉ ở thời điểm hiện tại, nhiều năm về trước, việc xử lý nguồn nước thải y tế từ hai Bệnh viện này cũng đã trong tình trạng đáng báo động. Năm 2008, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã ký kết với đơn vị thi công hạng mục công trình “Trạm xử lý nước thải” để khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong báo cáo số 259/BC-BV gửi UBND tỉnh Hải Dương vào ngày 23/7/2015 khẳng định: “Đến nay, hạng mục công trình trạm xử lý nước thải vẫn không nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng được”.
Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương xây xong từ lâu vẫn chưa được nghiệm thu và chưa đưa vào sử dụng. |
Nếu tính đơn giản, mỗi ngày 500m3 nước thải y tế từ hai bệnh viện trên chỉ để lắng rồi xả ra môi trường dù không đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế thì trong nhiều năm qua, một lượng nước thải bệnh viện “khổng lồ” đã được tuồn ra môi trường và nỗi lo lắng của người dân không phải không có cơ sở.
Trên thực tế, nước thải bệnh viện gồm 2 loại nước thải y tế và nước thải sinh hoạt, trong đó, nước thải y tế đáng lo ngại khi phát sinh từ các phòng khám, phòng phẫu thuật, phòng thí nghiệm, xét nghiệm và các khoa trong bệnh viện. Ví dụ: Pha chế thuốc, tẩy khuẩn, lau chùi dụng cụ y tế, các mẫu bệnh phẩm, rửa vết thương bệnh nhân,nước thải từ các phòng phẫu thuật, phòng xét nghiệm, phòng thí nghiệm. Nước thải này chứa vô số loại vi trùng, virus, vi khuẩn, mầm bệnh sinh học khác trong máu mủ, dịch, đờm, phân của người bệnh, các loại hóa chất độc hại từ cơ thể và chế phẩm điều trị, thậm chí cả các chất phóng xạ nên được xếp vào loại chất thải nguy hại. Việc chỉ xử lý lắng qua bể tự hoại rồi xả trực tiếp ra môi trường không thể triệt tiêu hết được các loại virus, vi khuẩn, chất nguy hại nên chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nước trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa đen kịt, bẩn thỉu. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên, ông Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết: “Bệnh viện cũng đau đầu về việc này. Năm 2003, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương được xây mới. Sau đó, năm 2007 xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên từ năm 2012 vẫn chưa nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình này được. Hệ thống xử lý nước thải cũ của bệnh viện đã được xây dựng từ lâu, nay không hoạt động được. Hiện tại hàng ngày lượng nước thải của bệnh viện cần phải xử lý đến 500m3/ngày đêm, trong khi hệ thống xử lý nước thải mới chưa được nghiệm thu và đi vào sử dụng dù đã xây xong từ năm 2012”.
Trong khi hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đang trong tình trạng không hoạt động cả mới, lẫn cũ, thì hàng ngày, Bệnh viện này vẫn phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải từ Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương (nằm kế cạnh), “bơm” sang.
Trao đổi với PV, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Xuân Huy cho biết: “Hiện nay, nước thải từ bệnh viện vẫn được xử lý theo cách thu gom từ các bể phốt, thu vào bể chứa nước to sau đó “bơm” sang hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Hiện nay đành phải tạm thời như thế, chúng tôi đang xin xây dựng Bệnh viện mới, khi đó sẽ đầu tư làm hệ thống xử lý nước thải riêng”.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin...