Tôi tình cờ gặp hai mẹ con bà Lê Thị Thảo và chị Bùi Thị Hòa tại một chương trình truyền hình nói về việc hiến tạng. Nhìn bề ngoài, hai mẹ con như bất kỳ những cặp mẹ con nào khác ở trên đời, cái chất quê chân chất mộc mạc biểu hiện ngay từ lời ăn, tiếng nói hiền hậu.
Khi biết chuyện hai mẹ con giấu gia đình đi hiến thận, có người hỏi, đến giờ “ông chủ gia đình” đã biết hay chưa, bà Thảo cười mà nói: “Trước đó, em nó đi hiến thận, tôi cũng đã hỏi rất kỹ mày suy nghĩ hay chưa. Nếu nghĩ kỹ rồi thì mẹ đồng ý. Còn về phần bố mày, mẹ sẽ có cách, bố mày không biết được. Thế nhưng, nói thật là đến bây giờ, ông ấy vẫn chưa hề biết chuyện này. Mà nếu giờ có biết thì chuyện cũng đã xong rồi, có làm được gì đâu?”.
Câu chuyện của bà Thảo khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Người đàn bà ngoại ngũ tuần nhưng sự lam lũ, vất vả hằn in trên từng nét mặt. Hỏi chuyện bà Thảo (SN 1961) thấy kể cũng lắm gian truân. Cái gian truân của một người đàn bà xứ Kinh Bắc suốt đời lặn lội vì chồng, vì con, từng trải qua không biết bao nhiêu thứ nghề mà vẫn nặng gánh mưu sinh. Trầm luân cuộc đời đã dẫn bà đến với chốn cửa Phật để giải tỏa phần nào áp lực tâm lý. Đây cũng là một phần cơ duyên đưa bà đến với việc hiến tạng về sau.
Hai mẹ con bà Thảo- chị Hòa mỗi người chỉ còn một bên thận nhưng vẫn có nguyện vọng sẽ hiến tiếp các bộ phận cơ thể để cứu những người khác nếu còn có thể. |
Trong quá trình tham gia các buổi giảng, bà Thảo quen một nhân viên làm tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cũng được nghe nói nhiều về sự sẻ chia cuộc sống nên thấm dần. Khoảng thời gian đó, đối với nhiều người, quan niệm về cái chết toàn thây vẫn còn rất quan trọng nhưng với những người đã quen chốn cửa Phật như bà, điều đó đã dần thay đổi.
Sau đó, trong một lần khác có cuộc vận động hiến giác mạc sau khi chết, bà Thảo cũng không ngần ngại đăng ký. Lần khác, trong một chương trình nói chuyện, vận động hiến tạng, bà Thảo cũng xuống dự, được phát một tập tài liệu nhưng cũng vì bận rộn, chưa xem ngay được.
Đến khi về, sau đó vài hôm, bà mới lật giở ra xem và ngạc nhiên, hóa ra khi mình còn sống cũng có thể cho đi được nhiều thứ đến như vậy. “Đợi đến chết mới có thể chia sẻ thì lâu lắm”, bà Thảo chia sẻ. Đó cũng là lý do vì sao bà quyết định hiến sống một quả thận của mình lúc đó.
Tuy nhiên, phải đến hơn một năm sau, quyết định của bà mới trở thành sự thật. Nguyên nhân là bởi việc kiểm tra sức khỏe để có thể thực hiện hiến tạng không phải một lúc mà xong, phải trải qua nhiều kiểm tra, xét nghiệm các chức năng. Có lần thì thiếu máu, có lần lại kết luận mẫu máu, có lần buộc phải kiểm tra sức khỏe tâm thần... mãi đến cuối 2014, khi các cuộc kiểm tra hoàn tất, bác sỹ mới báo tin chúc mừng, bà hoàn toàn đạt yêu cầu để hiến tạng.
Ban đầu, bà Thảo cũng chỉ định hiến tặng thận của mình cho người nghèo, nhưng sau đó được các bác sỹ, nhân viên tại trung tâm giải thích, việc người cho - người nhận phải có tương thích với nhau nhiều yếu tố nên bà cũng “tùy duyên” vậy, “ai hợp thì tôi cho”. Cái lý lẽ giản đơn của người đàn bà này dường như khiến cuộc sống trở nên dễ chịu hơn với nhiều người.
Bà Thảo kể tiếp, khi bệnh viện có quyết định phẫu thuật để ghép tạng, thông báo cho bà là vào khoảng 30/4/2015. Tuy nhiên, nghĩ quãng thời gian này là thời gian sum họp, con cái về nhà để quây quần, sợ các con còn chưa va chạm nhiều đến việc này sẽ lo lắng, bà mới xin lùi chuyển sang tháng 5.
Một mình ra Hà Nội thực hiện phẫu thuật, giấu chồng, giấu các con, bà định sau khi việc đã xong xuôi mới cho chồng con biết chuyện. Thế nhưng, không giấu tuyệt đối được, bệnh viện không đồng ý với đề nghị của bà để người cháu ký hộ biên bản trước khi phẫu thuật, buộc bà phải gọi cho người con gái là chị Hòa đến ký. Thậm chí đến lúc này, bà vẫn giấu cô con gái bảo hôm sau mới phẫu thuật. Đến sáng hôm sau, chị Hòa vào viện để chuẩn bị cho ca mổ mới biết mẹ mình đã được chuyển về phòng hậu phẫu rồi.
Đến giờ đã hơn 1 năm trôi qua, sức khỏe bình phục, bà lại tiếp tục làm việc để trả nợ, để chăm lo cho gia đình và làm những việc thiện ở đời. Có thời gian, bà lại lên chùa thăm đám trẻ mồ côi, nghe giảng pháp. Hễ có chuyến đi từ thiện nào được tổ chức, bà lại lên đường. Suy nghĩ của bà có lẽ cũng khiến những người xung quanh dần cảm nhận được một cách giản đơn về sự sẻ chia.
Tâm sự với chị Hòa (SN 1986), chúng tôi lại càng ngạc nhiên hơn. “Đêm đầu tiên nằm với mẹ sau khi mẹ thực hiện phẫu thuật hiến thận, mình mới dần cảm nhận được lý do vì sao mẹ lại làm điều đó. Lúc ấy, mình cũng bắt đầu có ý định, nếu là nhân duyên, có thể cho được ai đó phần nào, cũng sẽ chẳng ngại ngần gì”.
Chị Hòa thực hiện ca phẫu thuật khoảng giữa 2016, lúc đó cũng chỉ có mẹ là người biết chuyện. Có người hỏi, việc chưa chồng, con mà quyết định hiến tạng liệu sợ ảnh hưởng gì đến cuộc sống về sau hay không? Hòa cho biết: “Cũng có những người ngăn cản, lo sợ khi đã cho đi một bên thận rồi, sức khỏe suy giảm thì sau này có sinh được con hay không? Người mà định yêu rồi lấy mình, người ta có ngại mình không đủ sức khỏe để chăm lo cho gia đình hay không? Điều này với mình thì không quan trọng lắm. Nghe các thầy giảng pháp nhiều, mình hiểu sự sống là cho đi chứ đâu chỉ nhận riêng mình”.
Qua tìm hiểu, chị Hòa được biết, bản thân vẫn còn có thể hiến thêm một số bộ phận khi còn sống như gan, xương, da nữa, vì vậy, sau khi sức khỏe đã đảm bảo (theo tiêu chuẩn tối thiểu phải hơn 1 năm sau khi hiến tạng lần đầu), nếu có thể, chị sẽ tiếp tục “cho đi” để “nhận”.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, chị Hòa cho hay, hiện chị đang còn vướng bận một số việc tại Hà Nội, sau khi hoàn tất sẽ về quê (thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh), tìm một công việc nhẹ nhàng để nuôi sống bản thân và tiếp tục những ước mơ còn dang dở.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):