Nguyễn Thị Mai. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức về việc thiếu phụ chiếm đoạt 254 tỷ ở Hải Phòng có thể sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, câu chuyện một người nhận tiền trong các giao dịch dân sự rồi “mất tích” không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là trong những thời điểm suy thoái kinh tế hoặc việc làm ăn kinh doanh đổ vỡ.
Tuy nhiên, để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không thì cơ quan điều tra sẽ phải cần làm rõ nhiều nội dung có liên quan để xác định hành vi có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không.
Theo quy định của pháp luật thì trong các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản (như vay mượn, mua bán, hợp tác đầu tư...) việc một bên không thực hiện đúng, đầy đủ nội dung đã thỏa thuận trong giao dịch dân sự đó thì bên kia có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trong một số trường hợp thì các giao dịch dân sự bị vô hiệu do bị lừa dối, giả tạo. Một số trường hợp quan hệ dân sự chuyển thành quan hệ hình sự nếu một trong các bên chủ thể lợi dụng quan hệ để chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng các giao dịch dân sự là phương thức thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, nếu người nào đưa ra thông tin gian dối, sử dụng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tưởng rằng giao tài sản của mình cho người này thì họ sẽ được hưởng lợi.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Tuy nhiên, sau khi nhận được tài sản bằng các thủ đoạn gian dối thì đối tượng đã chiếm đoạt tài sản, không có ý định trả lại tài sản. Đây gọi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản chị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn trường hợp trước khi nhận được tài sản của người khác bằng các giao dịch dân sự mà không có hành vi gian dối, thủ đoạn gian dối, các quan hệ dân sự đó là hợp pháp.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tài sản bằng các quan hệ dân sự thì đối tượng nảy lòng tham, đã gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc có điều kiện trả tài sản nhưng cố tình không trả nhằm chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu số tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy, hành vi nhận tài sản của người khác thông qua giao dịch dân sự sau đó bỏ trốn chiếm đoạt tài sản, chị giá tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên. Bởi vậy trong trường hợp bị kết tội thì người phụ nữ trên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Tuy nhiên để xác định có việc có dấu hiệu tội phạm hay không thì cơ quan điều tra phải có nghĩa vụ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh việc người này “mất tích” là do nguyên nhân khách quan hay đây là hành vi “bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Nguồn: Đài Truyền Hình Quảng Ninh.