Hải quân Nhật Bản nhận khinh hạm Mogami với tốc độ 'nhanh chóng mặt'
Khinh hạm lớp Mogami sẽ đảm nhiệm vai trò "xương sống tác chiến" cho hạm đội Hải quân Nhật Bản tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Việt Dũng/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Nhà máy đóng tàu của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi nằm tại tỉnh Nagasaki mới đây đã hạ thủy khinh hạm lớp Mogami thứ 10 cho Hải quân Nhật Bản, tốc độ thi công thực sự rất ấn tượng.
Theo Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, lễ đặt tên và hạ thủy chính thức đối với con tàu diễn ra vào ngày 19/12/2024 tại Nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki, nơi cũng chế tạo các khinh hạm loại này.
Chiến hạm mới nhất của lớp Mogami được đặt tên Nagara, đây là tên con sông Nagara thuộc hệ thống sông Kiso, bắt nguồn từ núi Dainichi ở thành phố Gujyo, tỉnh Gifu, chảy qua tỉnh Mie, sau đó hợp lưu với sông Ibi và chảy vào vịnh Ise.
Vấn đề thu hút sự quan tâm nằm ở chỗ tên gọi Nagara đã được sử dụng lần thứ hai trong hạm đội Nhật Bản, chiến hạm đầu tiên mang tên này là một chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ được đóng vào năm 1921.
Thời gian thi công con tàu được hoàn thành chỉ trong 1 năm và 5 tháng, điều này cho thấy tốc độ đáng kinh ngạc, thể hiện quyết tâm của Tokyo trong việc xây dựng một hạm đội mặt nước có sức chiến đấu cao.
Từ năm 2019 đến ngày 19/12/2024, tổng cộng 10 khinh hạm lớp Mogami đã được đóng và hạ thủy nhờ sự tham gia của hai doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu Nhật Bản bao gồm Mitsubishi và Mitsui.
Hai nhà máy hiện đang nỗ lực hoàn thành hợp đồng khi nhanh chóng chế tạo 2 tàu nữa thuộc loạt đầu tiên. Sau đó họ sẽ chuẩn bị cho việc chế tạo 12 chiến hạm nữa thuộc phiên bản cải tiến, có kích thước và vũ khí trang bị đều được tăng cường.
Theo thông báo, tàu hộ vệ JS Nagara mới nhất hiện đang trong quá trình hoàn thiện trên mặt nước, sau đó sẽ là chạy thử trên biển để sẵn sàng bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản vào tháng 3/2026.
Khinh hạm lớp Mogami có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.900 tấn, được thiết kế cho tác chiến chống ngầm, rải và tìm kiếm thủy lôi cũng như tuần tra. Để thực hiện vai trò, chúng được trang bị sonar OQQ-11 để tìm kiếm thủy lôi, đi kèm sonar kéo để phát hiện tàu ngầm.
Nhằm đẩy lui cuộc tấn công từ trên không, bệ phóng hệ thống tên lửa SeaRAM được lắp đặt ở đuôi tàu và từ năm 2025, phiên bản cải tiến bắt đầu nhận bệ phóng thẳng đứng Mk 41 với 16 ống phóng.
Khi đó con tàu sẽ mang theo tên lửa chống ngầm Type 07 và tên lửa phòng không A-SAM trong các ống phóng Mk 41. Vũ khí khác của tàu bao gồm pháo đa năng Mk 45 cỡ 127 mm, 6 ống phóng ngư lôi cỡ 324 mm cùng với 8 tên lửa hành trình diệt hạm Type 17.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có kế hoạch đóng tổng cộng 24 khinh hạm loại này, mặc dù kế hoạch ban đầu là 22 tàu. Hiện tại trong số 12 chiếc được đặt hàng, 6 tàu đã làm nhiệm vụ và 4 chiếc đang ở các giai đoạn chế tạo và hoàn thiện khác nhau.
Những thay đổi sẽ được thực hiện cho phiên bản nâng cấp của lớp Mogami bao gồm: lượng giãn nước tiêu chuẩn sẽ tăng lên 4.500 - 4.880 tấn, chiều dài tăng từ 132 mét lên 142 mét và chiều rộng tăng 0,7 mét lên 17 mét.
Không chỉ có vậy, phiên bản mới của tên lửa chống hạm Type 12 sẽ được tích hợp vào chiến hạm thế hệ mới, tầm hoạt động ban đầu của loại đạn nói trên 900 km và sau này sẽ lên tới 1.500 km.
Chưa dừng lại đây, khả năng phòng không của tàu sẽ được tăng cường bằng cách tích hợp một tên lửa đánh chặn thế hệ mới chưa được đặt tên nhưng "sẽ có tính năng kỹ chiến thuật rất tiên tiến".
Với số lượng khinh hạm tàng hình Mogami đông đảo hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương, Hải quân Nhật Bản sẽ đủ khả năng cạnh tranh sức mạnh với Trung Quốc và vượt trội về mọi mặt so với lực lượng tác chiến của Hải quân Nga tại đây.