Hàn Quốc có gì chọi lại tên lửa đạn đạo Triều Tiên?
(Kiến Thức) - Hàn Quốc đang xây dựng hệ thống phòng KAMD để đối phó với mối đe dọa thường trực từ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Hoàng Lê
Xem toàn bộ ảnh
Việc Triều Tiên thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để lắp lên tên lửa, cũng như bắn thử liên tiếp thành công các loại tên lửa đạn đạo đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc đã đẩy Seoul vào tình thế hết sức nguy hiểm.
Thực tế, Hàn Quốc luôn ý thức được mối đe dọa tên lửa đạn đạo Triều Tiên nên trong những năm qua, chính quyền nước này đã xây dựng “Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Hàn Quốc” hoặc gọi tắt là KAMD (Korea Air and Missile Defense System). KAMD được Hàn Quốc độc lập xây dựng khi nước này từ chối tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đứng đầu.
Dù vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng hai thành tố chính của lá chắn tên lửa KAMD đã lộ diện. Đầu tiên là hệ thống radar mạng pha có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo EL/M-2080 Green Pine được Hàn Quốc mua từ Israel.
EL/M-2080 có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 500km, theo dõi 30 mục tiêu cùng lúc ở tốc độ di chuyển của mục tiêu lên đến 3.000 m/s. Bộ vi xử lý tiên tiến có khả năng phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn, môi trường nhiễu nặng. Radar dẫn đường cho tên lửa với sai số ±4 mét xung quanh mục tiêu. Một tính năng “đỉnh” khác của radar này là nó có khả năng tập trung luồng phát làm quá tải khả năng hoạt động của radar đối phương như một vũ khí năng lượng định hướng.
Thành tố thứ 2 trong “lá chắn tên lửa KAMD” của Hàn Quốc chính là hệ thống tên lửa phòng không kiêm đánh chặn Patriot MIM-104D PAC-2 GEM. Mỗi khẩu đội MIM-104D gồm các thành phần: 4 xe phóng (4 đạn/xe); radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65; trạm kiểm soát thông tin di động AN/MSQ-104; xe tiếp đạn M985 GMT HEMTT.
Đạn tên lửa của PAC-2GEM được trang bị ngòi nổ cải tiến với thời gian nổ nhanh hơn, cho phép tên lửa đối phó hiệu quả với các mục tiêu tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Tầm bắn của PAC-2GEM được nâng lên tới 160km đối với các mục tiêu đường không và 30km đối với tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Trong nhiệm vụ đánh chặn, radar EL/M-2080 sẽ đảm đương nhiệm vụ cảnh báo sớm các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Sau đó radar sẽ cung cấp tham số về mục tiêu cho hệ thống radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53 (ảnh) của hệ thống phòng không PAC-2…
…Hệ thống PAC-2 sẽ kích hoạt tên lửa đánh chặn dựa trên những tham số được radar cảnh báo sớm EL/M-2080 cung cấp. Hệ thống cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ở khoảng cách 30km.
Dẫu cho cự ly đánh chặn của KAMD rất ngắn, nằm ở tầm nguy hiểm, bên cạnh đó việc Triều Tiên tấn công ồ ạt có thể khiến KAMD “quá tải” để lọt đạn. Nhưng dẫu sao đây là cứu cánh tạm thời của Quân đội Hàn Quốc trước mối đe dọa tên lửa phía Triều Tiên.
Ngoài KAMD, hiện Hàn Quốc cũng có trong tay các chiến hạm được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis với siêu radar AN/SPY-1 có khả năng phát hiện được các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Tuy các chiến hạm Aegis của Hàn Quốc chưa có tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nhưng trong tình hình ngày càng nguy hiểm hiện tại, không loại trừ khả năng Mỹ có thể cung cấp cho Hàn Quốc tên lửa đánh chặn SM-3 có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa.