Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã mở chi nhánh, xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam nhằm mở rộng quy mô và tăng thị phần cạnh tranh. Trước sức hút không nhỏ của thị trường tiềm năng này về khả năng tiêu thụ và nguồn lao động dồi dào, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục nghiên cứu, tìm hướng đầu tư vào Việt Nam.
Mới đây, trong buổi gặp mặt báo chí, ông Chris Lee - Giám đốc kinh doanh khu vực ASEAN - chuyên ngành Sản xuất của Công ty Autodesk nhận định: Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực ASEAN. Rất nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Autodesk.
Ông Chris Lee - Giám đốc kinh doanh khu vực ASEAN - chuyên ngành Sản xuất, Công ty Autodesk. Ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp. |
Cùng xu hướng đầu tư vào thị trường Việt Nam, trên Báo VOV cho hay, các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm và kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam là điểm đến trung và dài hạn. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, 8 tháng qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,11 triệu USD, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,35 tỷ USD, chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Riêng Quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản gần đây đã đầu tư 37 triệu USD vào bất động sản Việt Nam.
Thị trường bất động sản Việt Nam luôn "hút" các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Ảnh minh họa: Internet. |
Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản và Thái Lan.
Đầu năm 2013, tập đoàn bán lẻ Berli Jucker đã mua lại 65% cổ phần trong công ty Thái An - đơn vị sở hữu 41 cửa hàng tiện ích "B's mart" tại TP.HCM. Tháng 8 này, Berli Jucker tiếp tục mở 3 đại lý "B's mart" và dự định quản lý khoảng 61 đại lý kiểu này tại TP.HCM đến cuối năm nay. Berli Jucker dự kiến mở thêm 100 "B's mart" vào năm tới và có khoảng 300 đại lý tại Hà Nội và các thành phố lớn khác của Việt Nam vào năm 2015.
Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon mới đây cũng mở trụ sở tại TP.HCM và dự định triển khai nhiều đại lý bán lẻ tại Việt Nam, trong đó có các cửa hàng tiện ích, trung tâm mua sắm và siêu thị. Tháng 12 năm ngoái, công ty này đã mở cửa hàng tiện ích đầu tiên tại TP.HCM với tên gọi Mini Stop. Trung tâm mua sắm đầu tiên của tập đoàn đang được thi công tại Hà Nội và dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm tới.
Tập đoàn phát triển trung tâm mua sắm hàng đầu của Thái Lan (CPN) cũng đang đàm phán với một đối tác tiềm năng để phát triển trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam.
Theo Phó chủ tịch tập đoàn bán lẻ Berli Jucker, các nhà đầu tư Thái Lan chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên để triển khai hoạt động bán lẻ theo mô hình hiện đại do Việt Nam có mật độ dân số trẻ đông, do đó sức tiêu thụ cao, đặc biệt với các mặt hàng tiêu dùng như bia, rượu, sữa và thực phẩm khác.
Các doanh nghiệp Pháp đang dành mối quan tâm đặc biệt với cảng biển Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet. |
Vào giữa năm ngoái, 7 doanh nghiệp cơ khí của Pháp đã đến Việt Nam thăm dò thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cơ quan thương mại Pháp nhận định trên Thời báo Ngân hàng: Với mục tiêu phát triển thành nước công nghiệp vào năm 2020, Việt Nam phải tăng cường chất lượng và khả năng sản xuất bằng cách nhập khẩu các thiết bị và máy móc tiên tiến từ các nước công nghiệp mạnh. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp CH Pháp sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam với các sản phẩm tiên tiến của mình.
Được biết, Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp hóa chất - dược, công nghiệp xây dựng, ngân hàng, bất động sản.