Tờ Kanwa Defense Review chia sẻ trên Facebook cho hay, những bức ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng Ba đã hé lộ việc Đài Loan cho triển khai tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng IIE tại căn cứ quân sự ở thành phố Đào Viên, cách Đài Bắc 50 km về phía tây.
Tên lửa Hsiung Feng IIE do chính Đài Loan thiết kế và sản xuất. Ngoài ra, vị trí đặt tên lửa Hsiung Feng IIE cách thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc là 250 km.
“Hoạt động triển khai tên lửa được tiến hành vào tháng Ba. Điều đó có nghĩa là quân đội Đài Loan hiện có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chiến lược tầm sâu”, ông Andrei Chang, tổng biên tập tờ Kanwa Defense Review nhận định.
Tên lửa Hsiung Feng IIE của Đài Loan. |
Cũng theo ông Chang, tên lửa hành trình Hsiung Feng IIE với tầm bắn từ 1.000 – 1.500 km có thể tấn công chính xác các mục tiêu là những thành phố lớn như Hong Kong, Thượng Hải và một số tỉnh như Quảng Đông và Chiết Giang nếu như không may bùng nổ một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan.
“Dựa theo phạm vi tầm bắn, toàn bộ các lò phản ứng điện hạt nhân, cơ sở trữ dầu chiến lược của Trung Quốc nằm gần thành phố Chu San thuộc tỉnh Chiết Giang và tuyến đường sắt Bắc Kinh – bán đảo Cửu Long cùng nhiều tuyến đường sắt cao tốc và đường hầm sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công”, ông Chang nói.
Trong khi đó, cơ quan quốc phòng Đài Loan đã từ chối đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan tới hoạt động triển khai tên lửa Hsiung Feng IIE.
“Đài Loan đủ tự tin và chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo vệ lãnh thổ khỏi các cuộc xâm lược”, phát ngôn viên cơ quan quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi nhấn mạnh.
Hôm 6/8, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết bà muốn tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng năm 2019 lên 5,6% tương đương 11,3 tỷ USD giữa lúc căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan không ngừng gia tăng.
Theo Đài Loan, kể từ cuộc khủng hoảng vào thập niên 90, Bắc Kinh đã triển khai hơn 1.500 tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở khu vực bờ biển phía đông bắc Trung Quốc nhằm chuẩn bị tấn công các mục tiêu ở Đài Loan.
Ông Song Zhongping, một chuyên gia nghiên cứu tên lửa tại Hong Kong cho rằng, Bắc Kinh đã có sẵn phương án bảo vệ các thành phố và khu vực chiến lược ở nước này.
Ông Song nhận định tên lửa hành trình Hsiung Feng IIE do Viện Khoa học và Công nghệ Chungshan của Đài Loan (NCSIST) sản xuất mang nhiều đặc điểm giống với tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ.
“Hệ thống phòng thủ tên lửa của quân đội Trung Quốc đủ sức đánh chặn tên lửa Tomahawk, do đó tên lửa Hsiung Feng IIE không thành vấn đề đáng quan ngại. Thậm chí, hệ thống phòng thủ của Trung Quốc còn mở rộng từ trên mặt đất cho tới trên hạm. Ngoài ra, hoạt động triển khai tên lửa Hsiung Feng IIE đã nằm trong tầm giám sát chặt chẽ của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc”, ông Song chia sẻ.
Hồi đầu tuần này, truyền thông Đài Loan cũng đưa tin theo một quan chức Đài Loan, NCSIST đã phát triển thành công tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien, có khả năng tấn công các căn cứ ở khu bờ biển phía đông của Trung Quốc. Song theo ông Song, tên lửa Wan Chien có khả năng tấn công chính xác thấp hơn tên lửa Hsiung Feng IIE.