Riêng ở Nghệ An có đến hàng ngàn tay bẫy mồi ngày bắt được hàng chục tấn chim các loại. Mùa thu này trên khắp các ngả đường, các chợ, các quán ăn đều bày bán đặc sản chim trời. Mùa thu này trên khắp các ngả đường, các chợ, các quán ăn đều bày bán đặc sản chim trời.
La liệt bẫy giăng
Chúng tôi đến huyện Diễn Châu thấy cò đậu trắng đồng. Cứ nghĩ đây là vùng “đất lành, chim đậu" phong cảnh hữu tình, nhưng anh bạn đồng nghiệp đi cùng bảo: “Đó là cò máy, cò mồi của các tay bẫy cò đó. Bây giờ là mùa thảm sát chim trời. Mỗi cánh đồng ít nhất cũng có 5-6 tay bẫy”.
Chúng tôi tiếp cận P, một tay có thâm niên bẫy cò được anh chia sẻ: “Cứ đến tiết tháng 8- tháng 10 âm lịch, cò về rất nhiều, các loài chim khác cũng kéo nhau về từng bầy nhưng tui chỉ bẫy độc cò. Đồ nghề bẫy cò không phức tạp lắm! Một chú cò mồi, vài trăm con cò đẽo, 5 trăm trăm que nhựa...
Bẫy sẻ ri. |
Muốn bẫy được nhiều phải ra đồng từ sáng sớm, ra đồng chọn địa điểm thích hợp rồi cắm nhựa. Tiếp đến đặt khoảng 7 - 8 con cò "máy" (cò máy là cò sống may mắt lại buộc dây cho đứng gần nơi đặt nhựa). Người ngồi nấp trong một chiếc bu làm bằng lá cây che kín, tay cầm cây sào dài khoảng 2m, có một con cò mồi đứng phía trên, cứ nhìn phía hừng đông thấy bầy cò xuất hiện là dùng cò mồi dồi lên hạ xuống để cò trên trời chú ý- kết hợp giật dây để cò máy xõa cánh máy liên tục, dụ bầy cò trên trời bó cánh lao xuống.
Rứa là a lê hấp - Cò lao xuống xõa cánh đậu kiểu chi cũng dính nhựa, nỏ có con mô thoát. Trước đây mỗi mùa tui cũng kiếm được mươi triệu đồng, gấp mấy lần làm ruộng nhưng nay kiếm được ít hơn vì thấy bở ăn nên nhiều người sắm đồ nghề đi bẫy, riêng xóm tui là 17 người. Khiếp thật mùa ni hầu như làng mô, xã mô, huyện mô cũng có người bẫy cò".
Chúng tôi chứng kiến những tay bẫy ở cánh đồng Vĩnh Thành một buổi sáng mà chóng mặt: Hơn chục đàn cò, mỗi đàn 50 - 200 con đều không thoát được "thiên la địa võng" đầy chết chóc này.
Bẫy lưới sập các loài chim di trú. |
Không chỉ bẫy cò mà các loài chim di trú khác cũng không thể thoát được “thiên la địa võng” găng đầy khắp các cánh đồng, cửa biển. K, một tay bẫy ở cửa biển Diễn Thành, Diễn Châu cho biết: "Trước đây bọn tui giăng lưới rồi thổi bằng mồm (giả tiếng kêu của chim), ngày may mắn cũng được vài, ba chục con nhưng bây giờ nhờ có các đĩa cát -sét thu tiếng kêu các loài chim nên mần ăn được - có ngày tui tóm được vài trăm con".
Tôi hỏi:"Cách bẫy như thế nào?". K hào hứng: "Bọn tui giăng lưới ở mép đường, đoạn đường dọc theo bờ biển. Lưới cao 2m, dài ngắn tùy ý nhưng ít nhất là 100m. Khâu thứ hai là bật loa phát tiếng kêu của chim. Loài chim di trú bẫy lưới được chủ yếu là gà lôi, trích, cà cà. Những loài chim này rất thính, cách 1km chúng đã nghe tiếng kêu, tưởng là tiếng của đồng loại nên đồng loạt bay đến, chúng bay rất thấp cứ lao vùn vụt không có "số lùi" nên dính lưới- nỏ có con mô thoát được vì chân của chúng ngón dài luôn quắp lại.
Mùa này tui huy động cả nhà trực cả ngày lẫn đêm gỡ chim để mang đi bán. Giá chim năm nay tăng! Gà lôi 60.000 đồng/con; cà cà 25.000 đồng/con; trích 40.000 đồng/con; cò 50.000 đồng/con. Nhờ có nghề bẫy chim mà tui tậu được con xe máy và trang trải cho 5 đứa con ăn học."
K. dẫn chúng tôi ra xem "trận đồ bát quái" của những tay thợ bẫy chim bên bờ biển. Dọc theo mép đường chúng tôi thấy lưới giăng dài qua cả 2 xã Diễn Thành và Diễn Thịnh;Tiếng các loài chim từ đài cát - sét kêu loạn xạ; Chim dính lưới liên tục người ta chạy như con thoi để gỡ. K. cho biết ở vùng cửa biển này có 20 tay bẫy mỗi ngày tóm cổ khoảng vài ngàn con chim các loại.
Chim trời lên đĩa
Những dịp này nhiều ngả đường, các chợ, các quán ăn ở Nghệ An bày bán đặc sản chim trời. T, một lái chim ở TP Vinh cho biết một ngày anh thu gom được trên 2 tấn chim để nhập cho các quán ăn...
Chim được làm thịt ngay giữa chợ. |
Những chú chim bị đưa đến chợ chỉ một chốc là được mua sạch bởi thịt chim ngon và rẻ. Dân nhậu rất khoái khẩu món này, chỉ một vài con là đủ cho bữa nhậu; Thịt chim có thể chế biến được rất nhiều món như: Chim quay, rán, nướng, sả ớt, chua ngọt, rô ti, xào cà, xáo măng, xáo mùng...
Chim bán ở chợ muốn mua về nấu liền cũng sẵn chim đã được thui vàng. Và người mua muốn tận mắt chứng kiến mặt hàng tươi sống cũng chiều luôn- người bán sẵn sàng phục vụ thượng đế tại chỗ như vặt lông, thui vàng và mổ bụng.
Ở huyện Diễn Châu chỉ tính riêng thị trấn đã có trên 30 quán đặc sản chim trời. Mỗi quán trung bình tiêu thụ một ngày ít nhất 200 con chim. Một chủ quán ăn đông khách nhất thị trấn này cho biết, quán của bà một ngày đêm tiêu thụ từ 600 - 800 con chim.
Chúng tôi xin dẫn lời ông Chu Văn – một nhà giáo về hưu ở huyện Yên Thành để kết thúc bài viết này:"Hình ảnh cánh chim, cánh cò đã đi vào ca dao, thơ ca, nhạc, họa đi vào lời ru của mẹ thấm trong tuổi thơ mỗi người... Cánh cò nó như biểu tượng cho nét đẹp của đồng quê Việt Nam. Nhưng, hiện nay các loài chim này đang bị con người tận diệt để làm món ăn. Con người đang hủy diệt môi sinh đồng nghĩa với việc hủy diệt môi trường sống - làm mất cân bằng sinh thái. Chim trời bị giết nhiều thì nạn sâu bọ, cào cào, châu chấu ngày một nhiều. Tác hại thật khôn lường!
>>> Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):