Khuyến cáo này được đưa ra ngay sau khi Bộ Y tế nước này phát hiện virus Zika trong cơ thể một em bé bị chứng đầu nhỏ (chứng bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh có hộp sọ bị thu nhỏ) trong quá trình khám nghiệm pháp y sau khi em bé tử vong ngày 28/11 năm ngoái.
Theo thông báo ngày 31/12/2015, Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận 2.975 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Đây là sự gia tăng đáng kể (gấp khoảng 10 lần) số trường hợp mắc chứng não nhỏ tại Brazil so với các năm trước đó. Trong số các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với virus Zika, đồng thời cũng có nhiều trẻ xét nghiệm âm tính với virus Zika.
Virus Zika lây từ muỗi. |
Các nhà chức trách Brazil cho rằng “đây là tình huống chưa từng xảy ra trong lịch sử nghiên cứu y khoa thế giới”.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thông báo chính thức của Bộ Y tế Brazil cho thấy dịch bệnh do virus Zika gây ra tại quốc gia này có sự gia tăng đáng kể (gấp khoảng 10 lần) số trường hợp mắc chứng não nhỏ tại Brazil so với các năm trước đó.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2015 tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi như: Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brazil, và ngày 31/12/2015, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại quần đảo Puerto Rico vào tháng 12/2015.
Virus Zika được phát hiện lần đầu ở châu Phi vào những năm 1940. Virus được truyền bởi muỗi aedes aegypti (muỗi vằn), tập trung chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới và cũng mang các bệnh khác như sốt vàng da, sốt xuất huyết và chikungunya. Bệnh không gây chết người nhưng có liên quan đến dị tật teo não ở trẻ nhỏ, hạn chế tăng trưởng phần đầu cùng khả năng trí tuệ, thể chất của bé.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virút Zika có thể gây ra các triệu chứng như: sốt, phát ban, đau nhức xương khớp, đau mắt đỏ và trên thế giới hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan virút này. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, chưa có khẳng định nào về mối liên hệ giữa virút Zika và bệnh đầu nhỏ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia trên thế giới đang bày tỏ quan ngại trước việc virút Zika có thể lây lan nhanh chóng thậm chí bùng phát thành đại dịch sau sự bùng phát của Ebola ở Tây Phi năm ngoái.
Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút ZIKA, tuy nhiên để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thay nước bình hoa. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.