Nhà máy thủy sản “chết” vì Formosa
Trong công văn gửi Chính phủ, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, VASEP cho rằng, từ tháng 4/2016, sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến thủy sản của ngư dân, doanh nghiệp nói riêng và đến các sức ép ngày càng lớn từ thị trường nhập khẩu nói chung.
Công ty XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu, sản phẩm không tiêu thụ được. Ảnh: T.L |
Theo đó, sự cố môi trường này đã khiến các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy hải sản bị thiếu nguyên liệu sản xuất, nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.
Nhập nguyên liệu tăng mạnh
Theo báo cáo của VASEP, nguyên liệu hải sản đã thiếu hụt trầm trọng trong 7 tháng qua. Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh nhập khẩu. Dự kiến trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD thủy sản nguyên liệu, tập trung vào các mặt hàng cá ngừ, tôm thẻ chân trắng, mực, bạch tuộc và cá biển.
Trong khi đó, đối với khách hàng quốc tế, ông ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho hay, họ quan ngại kim loại nặng nhiễm vào nguyên liệu và sản phẩm thủy sản Việt Nam kim loại nặng. Vì vậy nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung. Ngoài ra, do nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng, doanh nghiệp thu mua trong tháng 8 chỉ đạt khoảng 40%, không có sản phẩm để xuất khẩu và doanh số của doanh nghiệp cũng bị giảm mạnh…
Do đó, VASEP đã kiến nghị Chính phủ và các bộ có sự can thiệp đối với Tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm với doanh nghiệp thủy sản. Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị Chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để có thể duy trì sản xuất. Các hoạt động cần hỗ trợ như thủ tục nhập khẩu, hỗ trợ cước phí nhập nguyên liệu tại cảng nhập khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như các mặt hàng mới…
Ông Trương Đình Hòe cho biết, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các bộ ngành sau khi nhận được công văn sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại của doanh nghiệp. Từ đó, nhanh chóng yêu cầu Formosa có trách nhiệm trong việc bồi thường, hỗ trợ khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.
“Những tổn thất cho tài nguyên, môi trường đất nước rất to lớn, không thể đo đếm được nhưng những thiệt hại của doanh nghiệp thủy sản trong nước cũng không hề nhỏ. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn rất khó khăn để vượt qua, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ”- ông Hòe nhấn mạnh.
Doanh nghiệp có thể kiện Formosa
Là một doanh nghiệp có địa chỉ tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), 8 tháng đầu năm 2016 là những tháng ngày vô cùng khó khăn của Công ty XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (SHATICO) do phải chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường vùng biển miền Trung.
Theo đó, thu mua thủy sản 8 tháng đầu năm nay của SHATICO chỉ đạt 228 tấn, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 580 tấn. Xuất khẩu của SHATICO cũng chỉ được 160 tấn hải sản các loại với kim ngạch 1,4 triệu USD, giảm 1 triệu USD so với mức kim ngạch cùng kỳ năm trước, mức giảm khoảng 42%. Tổng mức thiệt hại mà SHATICO đã phải gánh chịu do sự cố môi trường gây ra là tương đối lớn.
Đại diện SHATICO, ông Trần Đình Nam, cho biết, trong nửa đầu năm 2016 gần như phải đóng cửa nhà máy chế biến vì không tìm được hợp đồng mới. Theo báo cáo của doanh nghiệp này, đến thời điểm giữa tháng 8.2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại nên dự kiến các tháng cuối năm, không chỉ SHATICO mà nhiều doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả khác cho phía đối tác. Do đó, thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn.
“Bạn hàng lo ngại nguồn nguyên liệu trong nước, chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ Indonesia về chế biến, duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, nhập khẩu thì lại vướng lệ phí cảng biển và các chi phí khác khiến giá thành cao, không cạnh tranh được” - ông Nam cho biết.
Ồng Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến thương mại Thuận Phước, đồng thời là hội viên Hội Luật gia Việt Nam, cho biết, chiếu theo Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ Chính phủ mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng là bị hại của Formosa. Do đó, Formosa bồi thường cho Chính phủ thì không có nghĩa là họ hết trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang phải từng ngày gánh chịu hậu quả.
Theo ông Lĩnh, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản có thể yêu cầu Formosa có trách nhiệm bồi thường nếu doanh nghiệp chứng minh được thiệt hại do Formosa gây ra. Cách chứng minh có thể là thống kê, so sánh hoạt động trước và sau khi có sự cố môi trường biển.
“Doanh nghiệp có thể khởi kiện trực tiếp ra tòa án hoặc thông qua hiệp hội ngành nghề là đại diện cho mình”- ông Lĩnh cho biết.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế):
“Chưa nên ăn hải sản đánh bắt gần bờ”
Ngày 25/8, trước nguồn tin cho rằng các kết quả xét nghiệm về cá tại các vùng biển có cá chết là tiền hậu bất nhất, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khẳng định không có sự mâu thuẫn. Theo ông Phong, kết quả xét nghiệm cá có sự khác nhau là do mẫu cá lấy tuỳ từng thời điểm, từng vùng biển khác nhau. Mẫu cá kiểm nghiệm tháng 4 chủ yếu khai thác ở vùng ngoài khơi, đánh bắt xa bờ. Còn mẫu cá lấy trong tháng 7 là cả ngoài khơi và gần bờ, trong đó có 7/27 mẫu vượt ngưỡng về kim loại nặng. Còn tháng 8 chỉ còn 1/24 mẫu vượt ngưỡng kim loại nặng (chì).
Trước đó, một văn bản của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia gửi Bộ Y tế cho thấy, trong các mẫu cá lấy từ vùng biển Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã phát hiện 5 mẫu nhiễm cyanua, 3 mẫu có phenol. Cụ thể 5 mẫu nhiễm cyanua gồm: Cá mỏ neo hàm lượng độc chất 3,9mg/kg; cá đuối, ghẹ 3 mắt lượng cyanua 0,8mg/kg; cá nhồng 0,6 mg/kg; cá man 0,5 mg/kg. 3 mẫu phát hiện nhiễm phenol là cá đuối 14 mg/kg, cá man 8,3 mg/kg, ghẹ 3 mắt 10mg/kg. Lượng phenol được phát hiện trong mẫu cá lần này cao hơn nhiều so với mức được phát hiện trong 20 tấn cá nục đông lạnh tại Quảng Trị thời điểm đầu tháng 6 là 0,037 mg/kg.
Ông Phong cho biết, phenol và cyanua không phải là chất nằm trong quy định về an toàn thực phẩm. Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định trong thực phẩm như hàm lượng kim loại nặng. Còn những chỉ tiêu khác như phenol, cyanua chỉ là phối hợp với bên môi trường để thực hiện nhằm làm quan trắc về môi trường biển. Ông Phong cho biết, hiện quốc tế cũng chưa có quy định ngưỡng của hai chất này trong hải sản. “Đã không có quy định trong thực phẩm thì cũng chưa thể khẳng định có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không hoặc ở ngưỡng nào thì ảnh hưởng đến sức khỏe” – ông Phong cho biết.
Theo ông Phong, Bộ Y tế đang chỉ đạo Chi cục An toàn thực phẩm ở các địa phương tiếp tục lấy mẫu cá cả ngoài khơi và gần bờ để xét nghiệm. “Để có câu trả lời rõ ràng về chất lượng cá tại các vùng biển này thì cần có phải lấy mẫu rộng rãi hơn, ở nhiều vùng biển khác nhau do đó cần có thời gian nhất định. Dự kiến đến đầu tháng 9 Bộ Y tế sẽ có công bố về cá ở các vùng biển từng có cá chết đã an toàn hay chưa”.
Theo ông Phong, nếu vùng biển ô nhiễm thì cũng như một cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm làm ra sẽ không đảm bảo an toàn để người dân sử dụng. Do đó hải sản đánh bắt ở các vùng biển có sự cố môi trường cũng không nên sử dụng. Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ ăn cá đánh bắt xa bờ (cách bờ 20 hải lý).
Mời quý độc giả xem video về Formosa (nguồn VTC):