Xem toàn bộ ảnh
Nằm trong khuôn viên đền Sĩ Nhiếp ở xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, lăng mộ Sĩ Nhiếp là nơi an nghỉ của vị quan Thái thú duy nhất được người Việt thờ phụng trong giai đoạn Bắc thuộc. |
Theo sử sách, Sĩ Nhiếp (137-226) có tổ tiên là người Vấn Dương ở nước Lỗ bên Trung Hoa. Do tình hình loạn lạc, tổ tiên Sĩ Nhiếp mới tránh loạn sang Giao Châu, ở khu vực miền Bắc Việt Nam thời Bắc Thuộc, đầu thế kỷ 1 SCN. Đến đời ông thân sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. |
Học hành đỗ đạt và thăng tiến trên đường quan lộ, Sĩ Nhiếp đảm nhiệm vai trò Thái thú đất Giao Chỉ, đóng đô ở thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) từ năm 187 - 226, tương ứng với cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. |
Trên cương vị của một nhà cai trị, Sĩ Nhiếp được coi là một vị quan có tài, được dân chúng mến mộ. Vừa là thái thú, Sĩ Nhiếp còn là một đốc học. Ông là người đầu tiên mở mang việc học và dạy chữ Hán ở đất Giao Chỉ và được coi là một trong những nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam. |
Sau khi mất, Sĩ Nhiếp được chôn cất tại nơi mình từng dạy học, sau này là đền thờ ông. Tương truyền, ông có di nguyện được chôn sấp, nhưng học trò cung kính cứ chôn theo lẽ thường. Sau đó, hàng đêm từ ngôi mộ tiếng giảng sách cứ vang vang, các học trò hoảng sợ chôn thầy sấp lại thì hiện tượng này chấm dứt. |
Một giai thoại khác kể rằng khi quân nước Lâm Ấp (tiền thân của vương quốc Chămpa) cướp phá thành Luy Lâu, chúng quật cả mồ Sĩ Nhiếp lên. Khi thấy thi hài của ông vẫn còn khí sắc sau gần 200 năm chôn cất, chúng hoảng quá đành lấp lại mà lui binh... |
Sau gần hai thiên niên kỷ, những kiến trúc cũ của lăng mộ Sĩ Nhiếp đã phai nhạt theo thời gian. Nơi an nghỉ của vị quan Thái thú được người Việt ngưỡng mộ ngày nay khá đơn sơ với một số công trình được xây dựng những năm gần đây. |
Dấu tích nguyên gốc duy nhất còn sót lại của khu lăng mộ là một tượng cừu đá, được cho là cùng một cặp với tượng cừu ở chùa Dâu. Theo một truyền thuyết, đây vốn là hai con cừu Sĩ Nhiếp nuôi. Sau khi ông mất cả hai con đi lạc, một con tìm về được mộ chủ, con còn lại thì lạc đến chùa Dâu... |