Dự thảo giám sát của Bộ Công an: “Không được quay phim dân giám sát thế nào“
(Kiến Thức) - Theo luật sư, Điều 11 của Dự thảo đã bỏ qua hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình của người dân là trái với quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác.
Vừa qua, Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân về Dự thảo lần 2 "Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" gồm 3 chương 13 điều (thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009).
Trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất nhân dân chỉ được giám sát Công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong; cách xử lý có khách quan, đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ.
Việc giám sát được thực hiện qua hình thức thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân...
|
Bộ Công an vừa công bố dự thảo, đề xuất công khai thông tin cán bộ CSGT khi làm việc (Ảnh minh họa). |
So với quy định tại Thông tư 54, dự thảo này không còn hình thức giám sát của người dân qua "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông".
Đến đây, nhiều người đặt câu hỏi: Nếu dự thảo được thông qua thì người dân có được quay clip, chụp ảnh để giám sát CSGT làm nhiệm vụ hay không? Việc quay clip ghi hình có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Về vấn đề này, PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) để có nhận định rõ ràng hơn về dự thảo luật mới của Bộ Công an.
Theo luật sư, nếu dự thảo thông tư mới của Bộ Công an được thông qua thì người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình cảnh sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ có bị coi là phạm pháp không?