Theo The Times, nhà vật lý Adrian Melott đến từ Đại học Kansas cùng các cộng sự nói các vụ nổ siêu tân tinh cách đây 2,6 triệu năm có thể là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt của các sinh vật khổng lồ sống ở đại dương.
Siêu cá mập Megalodon to lớn nhất thế giới. |
Siêu tân tinh là một hiện tượng thiên văn thường xảy ra vào giai đoạn cuối cùng trong đời của một ngôi sao và đánh dấu bằng một vụ nổ lớn. Theo nhóm nghiên cứu, những ngôi sao phát nổ ở khoảng cách đủ gần khiến phóng xạ rơi xuống Trái đất.
Lượng phóng xạ và các hạt vật chất xuyên sâu xuống đại dương, khiến các loài động vật cỡ lớn như siêu cá mập megalodon hấp thụ một lượng lớn.
Dữ liệu nghiên cứu dấu vết của đồng vị sắt-60 được tìm thấy trong các lớp trầm tích dưới đáy biển cổ đại trên Trái đất. Đây là một biến thể phóng xạ của sắt với chu kỳ bán rã khoảng 2,6 triệu năm.
Melott cùng các nhà nghiên cứu nói hàng loạt các vụ nổ siêu tân tinh xảy ra ở cách Trái đất chừng 325 năm ánh sáng là tác nhân chính khiến nhiều loài sinh vật khổng lồ dần biến mất.
Với khoảng cách như vậy, Trái đất vẫn nằm trong đường đi của một lượng phóng xạ cực lớn được giải phóng từ những ngôi sao chết.
Điều này phần nào củng cố giả thuyết cho rằng Trái đất ở thời điểm đó có thể có nhiều phóng xạ hơn những gì con người từng tính toán. Phóng xạ xâm nhập vào cơ thể động vật cỡ lớn gây ra ung thư, đột biến, suy giảm khả năng duy trì nòi giống của các sinh vật này.
Mellott nói: "Ước tính tỷ lệ ung thư sẽ tăng khoảng 50% đối với một sinh vật có kích thước cỡ con người. Một con vật càng lớn như con voi, hoặc cá voi thì lượng bức xạ càng tăng lên".
Vậy nên không chỉ siêu cá mập Megalodon mà còn một phần ba sinh vật khổng lồ trên Trái đất không thể tồn tại qua được giai đoạn Pleistocene (từ 1,8 triệu tới 11.550 năm trước).