Người ta thường truyền tai nhau về trình độ lái máy bay giỏi của các phi công Binh đoàn 18 nói chung, Công ty Trực thăng miền Nam (VNHS) nói riêng. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên cả, khi mà các tổ bay coi trọng tính mạng của hành khách và tài sản của Nhà nước hơn cả tính mạng và tài sản của riêng mình. Những chuyến bay cấp cứu trong đêm, những chuyến bay trong điều kiện thời tiết mưa gió, những chuyến bay trên địa hình rừng núi và cả những chuyến bay đường dài ra quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1… đều mang tinh thần trách nhiệm rất cao của cán bộ, nhân viên VNHS. Gần đây, tôi được nghe mọi người kể về các chuyến bay đường dài xuyên qua các châu lục, hay xử lý tình huống bất trắc ngoài giàn khoan của các tổ bay, lại càng khâm phục và thêm yêu cái nghề bay “lãng tử” trên vùng trời Vũng Tàu thân thương này. Một trong những người tham gia trong những chuyến bay đường dài đó là Đại tá Nguyễn Đức Toàn - Phó giám đốc VNHS.
Trực thăng vận tải hiện đại EC225 biên chế cho Không quân Hải quân Việt Nam. |
Nếu mới gặp, ít ai nghĩ người phi công có gương mặt hiền khô, giọng nói chậm chãi, đôi khi nhỏ nhẹ, ngập ngừng như con gái này lại có những chuyến bay để đời và ấn tượng đến thế. Anh Toàn bảo: “Nghề bay dịch vụ nhìn chung là lãng mạn, yêu đời, nhưng đôi khi lại phải đối mặt với những thử thách và các tình huống nguy hiểm ở trên không. Với tôi, hành trình nhận máy bay từ Pháp về Việt Nam và chuyến bay từ Việt Nam qua Na-uy luôn để lại những cảm xúc tuyệt vời. Bạn cứ thử tưởng tượng xem, khi mình được bay trên quãng đường dài hơn 11.000 km, qua nhiều địa hình mới lạ thật lý thú biết bao”.
Trên thực tế, từ năm 2007 đến năm 2012, VNHS đã thực hiện 8 lần chuyến máy bay chuyển trường giữa Châu Âu về Việt Nam và ngược lại. Nhưng chuyển trường trên máy bay EC-225 lại có những cảm xúc riêng của nó. Mua và đưa máy bay từ nước ngoài về Việt Nam bằng hình thức chuyển trường có nhiều cái lợi so với vận tải bằng đường biển, hay đường hàng không. Thứ nhất là thời gian nhanh, giá thành giảm. Thứ hai là phi công tích lũy được thêm nhiều giờ bay (khoảng 100h và được cộng vào giờ bay thương mại). Còn đưa máy bay về nước bằng tàu biển sẽ phải mất một tháng, thuê máy bay vận tải để vận chuyển tuy thời gian nhanh hơn, nhưng giá thành lại cao gấp 3 lần, phi công không tích lũy thêm được giờ bay thương mại.
Hành trình chuyển trường từ Marignane (Pháp) về sân bay Vũng Tàu từ ngày 27/7/2009 đến ngày 5/8/2009 trên chiếc EC-225 số hiệu 619 đối với Đại tá Nguyễn Đức Toàn thật đáng nhớ. Với quãng đường dài 11.006km, phải bay trên không phận của 10 nước (Pháp, Ý, Hy Lạp, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Pakistan, Ôman, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) trong 10 ngày, trên nhiều loại địa hình như biển, rừng núi, sa mạc, đô thị… và mất 49h32 phút bay, đã ghi dấu ấn cho kỷ lục bay đường dài của trực thăng Việt Nam. Chuyến bay này thời tiết cơ bản là tốt, công tác hiệp đồng bay và thủ tục hải quan cũng thuận lợi, nhưng thời gian bay dài đã tổn hao khá nhiều sức lực của các thành viên tổ bay.
EC225 trên giàn khoan dầu khí. |
Cuối tháng 7, bầu trời nước Pháp nhiệt độ xuống khá thấp (dưới 5 độ C), đáy mây như đang chụp ở ngay trên đầu người và thi thoảng lại có những cơn mưa dày hạt khiến tầm nhìn giảm đi khá nhiều. Thành phố Marignane mờ ảo trong bụi nước. Chiếc EC-225 số hiệu 619 như một chú chuồn chuồn dũng cảm, bay len lỏi trong làn mây nước và cái lạnh cắt thịt da. Nếu bay ở độ cao lớn, động cơ có thể sẽ bị đóng băng ngay. Vì thế, tổ bay phải quyết định bay ở độ cao từ 100 - 200 feet (khoảng từ 30,48 - 61m) so với địa hình. Ngoài các thiết bị có sẵn trên máy bay, tổ bay luôn có một lái chính làm nhiệm vụ hoa tiêu quan sát địa hình bằng mắt. Ngồi trên máy bay ở độ cao này, những người không phải trong ngành sẽ thót tim khi nhìn thấy những cột ăng-ten, nhà cửa, cây cối, đồi núi cứ như lao tới chặn lối đi, rồi đột ngột dạt ra hai bên chạy ngược về phía sau.
Nếu ở dưới mặt đất nhìn lên, người ta sẽ nghĩ ngay chiếc EC-225 619 giống như chiếc tàu lượn bé nhỏ, đang đùa giỡn với hiểm nguy trên khoảng không. Bay qua dãy núi An-pơ chạy dọc theo Châu Âu, chiếc trực thăng lại giống như một chú chim nhỏ đang biểu diễn tài bay uốn lượn của mình. Ở độ cao thấp, các phi công cảm giác như đang bay trên một không gian xanh và rộng dài vô tận.
Cùng bay với Nguyễn Đức Toàn có Đại tá Phạm Quang Thiết, An-đu-a (phi công người Anh) và một số thành viên khác. Các phi công thay phiên nhau lái chính, lái phụ và làm hoa tiêu, bởi mỗi phi công chỉ được trực tiếp lái 8 giờ là phải thay người khác. Cứ bay dọc theo dãy An-pơ từ Tây sang Đông, chiếc EC-225 đã đến Thành phố Brinaisi của Italy.
Bay trên đất liền, bay qua núi đồi, rồi vượt các eo biển… hành trình lý thú tạo cho các phi công những cuộc trải nghiệm đầy ý nghĩa. Vất vả và khó khăn hơn cả là bay qua sa mạc Sahara của đất nước Ai Cập. Đây là một trong những sa mạc lớn nhất thế giới, với điều kiện khí hậu liên tục biến đổi. Ban ngày ở sa mạc này có thể nóng tới gần 50 độ C, nhưng đêm thì tụt xuống dưới -20 độ C. Mấy ngày trước bay ở nền nhiệt dưới 10 độ C, nay lại phải bay trong cái nóng như thiêu, như đốt ở sa mạc khiến các phi công có vẻ thấm mệt.
Khi chiếc EC-225 bay trên sa mạc, một cảm giác nhẹ tênh, nhưng hầm hập của khoảng không bủa lấy cuộc hành trình. Nhiều lúc, bụi cát nổi lên cuồn cuộn khiến tầm nhìn giảm chỉ còn khoảng 3km. Chiếc trực thăng bồng lên, tụt xuống, lắc lư như người đang say rượu… Mặc dù chế độ lạnh trong máy bay đã bật ở mức cao, nhưng mồ hôi cứ túa ra, khiến quần áo mọi người ướt đẫm.
EC225 là một trong những trực thăng vận tải hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. |
Trước khi bay qua sa mạc Sahara, tổ bay đã phải kiểm tra rất kỹ lưỡng động cơ và các hệ thống điều khiển của máy bay, vì bay trong điều kiện khô nóng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỹ thuật. Anh em còn chuẩn bị chu đáo về nước uống, đồ ăn khô và khăn ướt nữa. Nói gở, nếu bay qua sa mạc mà có sự cố nào xảy ra sẽ rất khó xử lý. Tất cả đều trống huyếch trống hoác, thăm thẳm màu vàng của cát… khiến con người cảm thấy trơ trọi, chơi vơi và đôi lúc còn rờn rợn. Nhưng mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp, bay qua sa mạc Sahara mất 3 ngày, chiếc EC-225 đã hạ xuống Thành phố Alexandria, nơi được ví là hòn ngọc của Địa Trung Hải. Và chỉ ít ngày sau, Đại tá Nguyễn Đức Toàn cùng đồng đội đã đưa chiếc EC-225 619 về đến sân bay Vũng Tàu an toàn tuyệt đối, trong niềm vui hân hoan và thán phục của mọi người.
Chiều muộn, TP Vũng Tàu lung linh trong màu hoàng hôn tím đỏ. Trên sân bay, những chiếc trực thăng vẫn lên xuống rộn ràng. Cùng dạo bước với Đại tá Lê Trọng Đông, Đại tá Nguyễn Phú Hiên - Phó giám đốc về Chính trị của VNHS trên con đường chính trong Công ty Trực thăng miền Nam, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản và trào dâng một cảm xúc tự hào khôn tả. 24 năm đã đánh dấu bao bước trưởng thành vượt bậc của VNHS. Không chỉ là những chuyến bay thương mại góp phần làm giàu cho đất nước, mà rất nhiều chuyến bay của các anh ra quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, hay các hải đảo xa xôi khác làm nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, tiếp tục khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam. Khi đất nước bình yên, họ chú trọng nhiệm vụ làm kinh tế, nhưng khi đất nước có chiến tranh, những cánh bay của VNHS sẽ nhanh chóng trở thành các phi công quân sự, thành thạo các bài bay bắn, ném vũ khí và vận tải khác, cùng lực lượng không quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tôi cứ nhớ mãi câu nói của Thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Tư lệnh Binh đoàn 18: “Trong thời chiến, người lính mang trong mình khát vọng giải phóng dân tộc, thì trong thời bình, họ lại nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho quê hương, đất nước”. Có lẽ vì thế mà những cánh bay của VNH nói chung, VNHS nói riêng luôn vươn cao, vươn xa đến những chân trời khát vọng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế đất nước, mà còn góp phần giữ yên bờ cõi mà cha ông đã để lại và hội nhập vững chắc với quốc tế, để hình ảnh của Việt Nam mãi lung linh, tươi đẹp, cường thịnh và thân thiện với bạn bè khắp năm châu hôm nay, ngày mai và mãi cả mai sau.