Hiện trạng PVN khi ông Trần Sỹ Thanh ngồi ghế chủ tịch

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐTV tại PVN, ông Trần Sỹ Thanh sẽ phải bắt tay ngay vào giải quyết khó khăn chồng chất mà tập đoàn đang gặp phải.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện nay là một trong những tập đoàn kinh tế có số vốn điều lệ và tài sản thuộc hàng lớn nhất Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ PVN 2016, công ty có vốn điều lệ lên tới 281.500 tỷ do Nhà nước nẵm giữ 100% và tổng tài sản lên tới hơn 439.000 tỷ đồng.
Hàng chục nghìn tỷ phải thu ngắn hạn
Trong vài năm trở lại đây, việc cơ cấu hoạt động kinh doanh cũng như tài sản và nguồn vốn tập đoàn đã giúp PVN giảm được các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn vào các công ty so với tổng tài sản.
Tuy nhiên, trước mắt PVN đang có hơn 51.000 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, mà trong đó rất nhiều là khoản phải thu tại các công ty PVN đầu tư.
 
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ - PVN 2016, công ty đang có hơn 3.974 tỷ đồng tiền phải thu ngắn hạn về cổ tức, lợi nhuận được chia, cùng với hơn 3.243 tỷ tiền phải thu tại Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (dự án đang thua lỗ).
Tại Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - PV Power, PVN cũng phải thu 2.933 tỷ đồng tiền giá trị tạm bàn giao Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Ngoài ra, là hơn 720 tỷ đồng phải thu tiền tạm thanh toán cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam – SBIC) và hàng trăm tỷ đồng tiền lãi dự thu từ liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn và Petro Tower, Nhà máy đạm Cà Mau…
Cũng theo báo cáo tài chính công ty mẹ PVN thì đến hết năm 2016, tập đoàn có hơn 2.300 tỷ đồng nợ xấu và đã phải trích lập dự phòng hơn 2.100 tỷ. Khoản nợ xấu này bao gồm các khoản ủy thác cho vay qua Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương 955 tỷ đồng; ủy thác cho vay qua Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam 711 tỷ; Tổng CTCP xây lắp dầu khí Việt Nam 177 tỷ đồng; CTCP đầu tư tài chính công đoàn dầu khí 114 tỷ đồng; CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí 287 tỷ đồng…
 
Cùng với đó là gần 6.200 tỷ đồng nợ lâu ngày đang chờ xử lý và gần 27.500 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn chủ yếu là phải thu về cho vay dài hạn và các khoản tiền tạm ứng vào các dự án.
Trong tình hình, kết quả kinh doanh của PVN đang trên đà sụt giảm từ năm 2013, nếu giải quyết được các khoản phải thu ngắn hạn và nợ xấu này, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn trong thời gian tới sẽ được cải thiện đáng kể.
5 dự án thua lỗ
5 dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài chưa khắc phục xong của ngành dầu khí là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng giao phó cho vị tân Chủ tịch của PVN giải quyết.
Theo đó, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất. Ngoài việc chậm tiến độ 2 năm, khi vận hành được khoảng 7 tháng thì nhà máy đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng do chi phí đầu vào quá cao.
Trong khi đó, Nhà máy Ethanol Dung Quất do BSR- BF khai thác có tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 1.800 tỷ, nhưng đã tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, riêng năm 2014, nhà máy này lỗ khoảng 164 tỷ đồng và đang tạm ngừng hoạt động.
Nhà máy Ethanol Phú Thọ, một trong 5 dự án thua lỗ của PVN. Ảnh: Lã Thế Vinh. \
Nhà máy Ethanol Phú Thọ, một trong 5 dự án thua lỗ của PVN. Ảnh: Lã Thế Vinh. \
Tương tự là Nhà máy Ethanol Bình Phước do Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) vận hành có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ nhưng bị đội vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng. Từ tháng 4/2013, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỷ đồng do hao mòn máy móc và trả lãi vay.
Cả 2 nhà máy này đang được các chủ sở hữu chuẩn bị để tái khởi động trở lại trong năm 2018.
Với Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (PVB) cũng bị đội vốn lên hơn 2.400 tỷ đồng từ mức 1.700 tỷ ban đầu. Dù đã thi công được 80% khối lượng nhưng đến nay nhà máy này vẫn chưa sản xuất bất kỳ sản phẩm thương mại nào. Hiện tại, PVN/PVOil đang lên kế hoạch thoái vốn tại dự án thua lỗ này cho đối tác.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), vẫn đang tiếp tục thua lỗ.
Nhiều công ty thành viên đang thua lỗ
PVN hiện nay có hàng chục công ty thành viên, liên kết, nhưng nhiều công ty trong đó đang phải vật lộn với các khoản lỗ.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ PVN, trong năm 2016, các công ty liên doanh, liên kết bao gồm Công ty TNHH Gazpromviet; CTCP Phát triển Đông Dương Xanh; Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh; CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty TNHH Lọc hóa dầu nghi Sơn đều đang thua lỗ và PVN đã phải trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư dài hạn đối với các khoản đầu tư tại đây.
Ngoài trừ Công ty TNHH Tân Cảng – Petro Cam Ranh và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn do công ty này lỗ trong kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư.
 
Ngoài ra, tại Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC, nơi PVN đang nắm giữ 54,47% vốn cũng đang thua lỗ nặng nề. PVC cũng là nguyên nhân chính khiến PVN gặp phải nhiều khó khăn tại hàng loạt dự án mà PVC đóng vai trò là nhà thầu thi công.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của PVC, tính đến ngày 30/9/2017, công ty này đang lỗ lũy kế hơn 2.982 tỷ đồng, riêng 9 tháng đầu năm 2017, công ty lỗ ròng thêm hơn 36 tỷ đồng.
Tại Cảng Phước An, nơi PVN sở hữu hơn 30% vốn, tính đến cuối quý III/2016 cũng đang lỗ lũy kế 30,7 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh đang phục hồi
Bên cạnh những khó khăn, dấu hiệu khởi sắc đã trở lại với PVN khi tập đoàn đã cắt được đà giảm doanh thu, lợi nhuận từ năm 2013.
Theo đó, kể từ khi đạt đỉnh năm 2013, kết quả kinh doanh của PVN đã giảm mạnh trong những năm sau đó do ảnh hưởng nhiều từ diễn biến giá dầu thế giới cùng với việc phải mở rộng hoạt động đầu tư để tìm kiếm dầu khí, một phần do hoạt động của các công ty thành viên kém hiệu quả.
 
Trong năm 2016, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt gần 231.000 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước và báo lãi trước thuế 26.517 tỷ đồng, giảm 38%.
Kết thúc năm 2017 vừa qua, kết quả kinh doanh của PVN đã tăng trưởng sau 3 năm đi xuống. Theo đó, PVN đạt tổng doanh thu vượt 13,8% kế hoạch, tăng 10,1% so với năm 2016; nộp ngân sách Nhà nước vượt 22.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 31.900 tỷ, tăng 8.400 tỷ đồng so với năm 2016.