Hiệp Gà đã có một thời gian trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, một người dành thời gian cho công việc, vừa dành thời gian đảm nhận 2 vai trò: vừa làm bố, vừa làm mẹ của cô con gái 8 tuổi.
- Anh có bao giờ cảm thấy khó khăn khi mình phải đảm nhận cả hai vai trò đó?
Ai nhìn vào cũng cảm thấy ái ngại trước hoàn cảnh này. Thế nhưng đây có thể là khoảng thời gian quý giá mà tôi được cảm nhận.
Trước hết với trẻ con hãy dành cho những điều tốt đẹp nhất từ trái tim, sự hướng thiện, đôi khi là những lời nói dối tích cực.
- Lời nói dối tích cực như thế nào?
Ví dụ tôi nói với con rằng lên lớp 10 con sẽ được 11 điểm. Khi con thắc mắc tại sao nhiều người biết bố thế, mình bảo tại bố học giỏi. “Tại sao con học giỏi mà không nổi tiếng?” Vì con chưa giỏi bằng bố.
Con mình là con gái nên nhiều thứ người đàn ông không thể làm được. Khi con bé thì rất tình cảm, gần gũi với bố, càng lớn dần thì giới tính tự nhiên tự khắc tách con ra, không còn quấn quýt với bố như trước được và tình cảm dành cho bố cũng ít đi.
Con gái tôi lớn 8 tuổi nhưng không bao giờ chịu ra hàng gội đầu. Có lần tôi vô tình nhìn qua cánh cửa thấy con đang lúi húi tự mình gội mà tôi không cầm được nước mắt. Không phải người đàn ông nào cũng cảm nhận được cảm giác lúc đó. Thật kinh khủng! Và tôi thấy thật khó khăn vô cùng khi chăm sóc con gái mà không có bàn tay phụ nữ.
- Bởi vì công việc đó hay cả những công việc dạy dỗ bé, có người phụ nữ thì sẽ tốt hơn đúng không?
Người thân trong gia đình, bên nội ngoại, ai cũng dành tình cảm cho con gái vì nghĩ rằng bé thiệt thòi. Nhưng ở một góc độ giáo dục con cái, mình chọn hướng cho con kiến thức mắt thấy, tai nghe. Nhiều khi tôi hay giảng văn cho con qua điện thoại, đặc thù công việc nên mình đi suốt, không có thời gian bên con nhiều, tôi còn phải lắng nghe cả những tiếng ngập ngừng, tiếng nấc rất nhẹ của con để biết con muốn gì, nghĩ gì.
Trẻ con đơn giản là nhân tri sơ, tính bản thiện. Con mình cũng non nớt còn mình là nghệ sĩ nên bị chi phối khá lớn về cảm xúc, tâm hồn nhạy cảm mình có thể cảm nhận được hết xung quanh. Con thường hay hỏi: “Tại sao bố lại biết thế nhỉ?” vì mình biết trước được con muốn gì, con nghĩ gì. Cha mẹ luôn phải để ý con cái, nhất là với người cha và con gái, càng phải quan sát nhiều hơn.
- Anh có thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về người cha gà trống nuôi con với những người đàn ông làm cha khác?
- Tôi chỉ chia sẻ được trong các buổi họp phụ huynh thôi, như vậy đã khó khăn lắm rồi. Tôi không thể mang câu chuyện của mình ra để khuyên răn hay nhắn nhủ ai. Mình chỉ có thể chia sẻ với khán giả khi nào cần thiết, không thể tự nhiên ra đường nói.
- Thường bất cứ đàn ông nào ko ai mong muốn phải gà trống nuôi con. Khi vô tình rơi vào hoàn cảnh ấy, có người đàn ông chia tay ko bao giờ gặp lại người phụ nữ đó. Anh lựa chọn cách với người vợ vẫn là bạn, vẫn là dành tình cảm, sự quan tâm cho con cái?
Xem nhau như bạn, xem nhau như kẻ thù… đó là tự nhiên. Nhiều người nói vì con cái, vì nhiều lý do mà không bỏ được nhau… Với tôi còn yêu nhau là không có lý do nào ngăn cản, khi hết yêu nhau thì chia tay.
Tôi khi gặp vợ cũ cũng chỉ như một người bạn qua đường. Dù một người qua đường gặp khó khăn tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ, huống hồ đó là đã từng chung sống với nhau, là vợ là chồng. Chúng tôi chỉ là những điều không may của số phận.
Khi không còn yêu nhau thì gặp nhau sẽ không có cảm xúc. Nhìn thấy nhau không có bực bội, hối tiếc hay thương yêu, vậy là bạn. Quan trọng nhất là hai người cần nghĩ rằng làm những điều tốt nhất cho con.
Quan điểm của tôi là nếu con cái ở với mẹ, mẹ có mắng thì sang gặp bố, bố mắng tiếp chứ không bênh con. Bởi trẻ con rất nguy hiểm ở chỗ bố mắng, mẹ bênh; mẹ mắng, ông bà bênh. Chúng sẽ ỉ lại và khó dạy bảo.
Mình cũng đừng nghĩ rằng nói xấu bố thì chúng sẽ yêu mẹ hay ngược lại. Con gái tôi cũng hỏi tại sao bố không nói xấu mẹ? Tôi nghĩ điều đó không cần thiết.
Với anh, anh cho con điều gì lớn nhất?
Tôi nghĩ cho con mình một nền tảng kiến thức, để con đủ 18 tuổi có đủ hành trang cho cuộc sống. Tiền có thể rất nhiều ngày hôm nay nhưng sau này cũng trượt giá… Hoặc có thể tại mình chưa có tiền, có tiền sẽ nghĩ khác thì sao (cười).
- Nếu như ngày nào đó, con gái đã lớn, bố mãi mãi là bố của riêng mình, không muốn gọi ai là mẹ. Nếu con gái anh trong trường hợp bắt anh lựa chọn giữa người vợ tiếp của anh và con, anh giải quyết nó ra sao?
Hiệp Gà bên một người bạn. |
Tôi may mắn luôn nắm được cục diện. Cho dù ở bao nhiêu người đàn ông, điều họ ích kỷ nhất là không bao giờ bỏ qua sự phản bội. Khi có con, sự ích kỷ tiếp theo mà đến 99,99% người đàn ông sẽ chọn là tiếng nói chung giữa con và bố, không chỉ đơn giản là tình yêu nam nữ nữa. Vì người đàn ông đó có nhiều kinh nghiệm, họ băn khoăn con mình sẽ như thế nào và họ sẽ cân nhắc một điều tốt nhất cho họ.
Tại sao hầu hết những người phụ nữ hầu hết lựa chọn tình yêu, tiếp cận, yêu thương con gái của mình nhưng sẽ vẫn có cuộc chiến khoảng cách, dù nhỏ nhẹ thôi. Vì việc yêu thương, chăm sóc, chia sẻ con của người đàn ông cũng chỉ là một phương án để chiếm lĩnh người đàn ông đó.
- Nếu như hai người yêu nhau, cô gái ấy chấp nhận biết cân bằng cuộc sống và biết chia sẻ thì sao?
Đó là điều đương nhiên nhưng vẫn có một khoảng nào đó cảm xúc người ta khó kiểm soát được. Tôi luôn đặt vào tình huống khách quan để giải quyết vấn đề và thường hay chọn góc nhìn của con. Nếu mình là con thì sẽ như thế nào… và từ đó kết luận mọi điều.
- Nếu anh nghĩ rằng con và cô ấy có một cuộc chiến thì nó sẽ rất bi quan?
Tôi không nói rằng nó sẽ có một cuộc chiến. Tôi chỉ đang phân tích một cách rất khách quan về vấn đề mình nhìn thấy. Ngay từ đầu mình nói rằng mọi người nên sống thật hướng thiện và nên có những suy nghĩ tích cực.
- Đặt ngược lại trường hợp con gái phản đối sự lựa chọn bước nữa của bố. Nếu rằng anh chỉ muốn toàn tâm toàn ý nuôi con, chăm con, không có ý định đi bước nữa nhưng chính con gái lại giới thiệu cho anh một người khác và nói rằng bố ơi con muốn bố lấy cô ấy, cô ấy rất tốt và con chỉ muốn cô ấy là mẹ con thôi thì anh có chấp nhận cưới người phụ nữ đó vì con?
Tôi đã từng nghĩ đến điều đó nên luôn cho con gái làm ban giám khảo đầu tiên. Cháu có cảm nhận rất tốt rằng bố ơi cô này tốt, không tốt. Nếu trường hợp đó xảy ra thì mình phải là một ông bố vô cùng thiếu hiểu biết, cứng nhắc, lạc hậu, không quan tâm đến tâm lý con cái. Bố không biết cách xoay con theo suy nghĩ của mình thì không làm được điều gì. Đó là điều tối thiểu.
Với trẻ con, đó cũng chỉ là những suy nghĩ ngây thơ, bột phát thôi.
Với tôi, chúng ta hãy hướng thiện, cứ suy nghĩ tích cực, tốt đẹp về nhau, trước rồi suy nghĩ xấu sau. Xã hội không có người xấu, chỉ có người không hợp với mình. Có những người phụ nữ chỉ cần nhìn là hiểu người đàn ông của mình muốn gì. Hai người không hợp nhau giống như một người đàn ông uống bia đi cùng người đàn ông uống nước lọc, chơi với nhau rất khó.
- Là một ông bố “gà trống nuôi con”, anh có nhắn nhủ gì tới những ông bố khác cùng hoàn cảnh?
Tôi không nghĩ rằng mình có thể nhắn nhủ hay khuyên răn điều gì. Chỉ là một từ trọn vẹn nhất đó là: số phận. Nó có thể mang ra để che đậy, bao biện, khoe khoang… Một điều nữa mà tôi vun đắp cho cuộc sống của tôi là tôi đã cố gắng hết sức, dù thành công hay thất bại, tôi cũng rất vui.