Hiệu quả của “mũ sắt” bảo vệ xe tăng Nga trước tên lửa Javelin?
Xe tăng Nga được trang bị "mũ bảo vệ" để chống lại tên lửa chống tăng Javelin; vậy hiệu quả chiến đấu thực tế như thế nào?
Tiến Minh (theo Sohu)
Xem toàn bộ ảnh
Xe tăng T-72B3 của Nga tham chiến tại chiến trường Ukraine được trang bị "mũ bảo hộ", nhưng thực chiến không mấy hiệu quả, không thể ngăn cản đầu đạn nổ lõm nối tiếp (đầu đạn Tandem), đồng thời khiến xe tăng dễ bị lộ trên chiến trường, hiện tại đã bị Quân đội Nga hủy bỏ.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Nga đã bổ sung áo giáp lồng kiểu "ô dù" cho một số lượng lớn xe tăng T-72B3 của họ, nhằm chống lại đòn đánh kiểu “đột nóc” của tên lửa chống tăng Javelin, mà trước đó Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Vào thời điểm đó, Quân đội Nga chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của họ ở chiến trường Syria; lớp giáp lồng được sử dụng, để tăng cường sức mạnh cho lớp phòng thủ mỏng manh của xe tăng, để chống lại các cuộc tấn công bằng các loại tên lửa chống tăng hiện đại.
Nhưng tiếc thay, phương pháp cải tiến này ít có tác dụng đối với chiến trường Ukraine, trong đợt tác chiến đầu tiên của quân đội Nga, khá nhiều xe tăng Nga được trang bị loại “ô bảo vệ” này, vẫn bị tiêu diệt trực tiếp bởi các loại tên lửa chống tăng như Javelin.
Nguyên nhân là do loại tên lửa tấn công hàng đầu mà Nga chạm trán trên chiến trường Syria, đều là tên lửa chống tăng TOW 2B đời đầu và đạn chống tăng RPG-7 (B-41) tấn công tầm cao, trong giao tranh đường phố đô thị.
Còn tên lửa chống tăng Javelin là tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba, sử dụng đường đạn tấn công gần như thẳng đứng và đầu đạn nổ lõm được bố trí kiểu nối tiếp với nhau.
Đầu đạn đầu tiên của tên lửa Javelin, được sử dụng để phá hủy giáp phản ứng nổ và lớp thứ hai được sử dụng để phá hủy áo giáp xe tăng, và sức công phá của nó mạnh hơn nhiều.
Ngoài tên lửa Javelin do Mỹ cung cấp, loại tên lửa chống tăng hàng đầu do Anh / Thụy Điển hợp tác phát triển là NLAW, được viện trợ cho Ukraine, cũng phát nổ phía trên mục tiêu, tạo thành một luồng phản lực kim loại, để phá hủy lớp giáp trên cùng của mục tiêu. Đối với chế độ tấn công này, lớp giáp lồng như mái che vẫn vô dụng.
Trong quá trình nghiên cứu và phát triển loại tên lửa NLAW, các nhà sản xuất Anh đã thử nghiệm trên một số lượng lớn các xe tăng và thiết giáp do Liên Xô phát triển, được mua từ các nước Đông Âu (thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước kia), có thể nói rằng khả năng phá hủy của tên lửa là rất mạnh.
Thực tế cũng chứng minh, sau khi Quân đội Nga thu được tên lửa chống tăng NLAW của Quân đội Ukraine, họ cũng đánh giá tên lửa NLAW là vũ khí chống tăng tốt, đủ sức phá hủy mọi giáp tăng hiện có của Quân đội Nga.
Bên cạnh đó, phương pháp lắp đặt đơn giản và thô sơ giáp lồng kiểu mái che của xe tăng Nga, khiến xe tăng trở nên rất dễ bị phát hiện; giúp phía Ukraine dễ phát hiện ra xe tăng và cảnh báo từ xa; đồng thời khiến nó dễ bị tấn công hơn.
Do đó, trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến ở Donbass, xe tăng Nga không bao giờ sử dụng các loại giáp lồng kiểu “ô che mưa” trên nóc tháp pháo này nữa, đồng thời có thể kết luận rằng, đây là một ý tưởng thất bại não nề.
Cũng trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự đặc biệt, Quân đội Nga không dùng hàng đàn xe tăng xông lên nữa, thay vào đó họ dùng pháo binh, băm nát khu vực mục tiêu; đồng thời dùng UAV quan sát trận địa của Ukraine, phát hiện và phá hủy ngay các ổ tên lửa chống tăng của Ukraine.
Trên các trục đường hành quân, quân Nga cũng dùng UAV bay trinh sát, khi phát hiện các tổ chống tăng cơ động của Ukraine, họ lập tức dùng không quân hoặc pháo binh bắn phá, tiêu diệt; do vậy đã hạn chế tổn thất về xe tăng so với giai đoạn đầu của cuộc chiến, cũng như hạn chế khả năng của tên lửa Javelin hay NLAW của Quân đội Ukraine.