Hình ảnh choáng ngợp về “đội quân âm phủ” ở Trung Quốc
Thanh Bình (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Đội quân đất nung hay Binh mã dũng của Tần Thủy Hoàng là một quần thể tượng người, ngựa làm bằng đất nung được chôn ở gần lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng tại phía Bắc núi Ly Sơn (Thiểm Tây, Trung Quốc).
Theo sách sử, việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu từ năm 246 TCN. Công trình này sử dụng đến 700.000 nhân công, thợ thủ công và mất 38 năm để hoàn thành. Đội quân đất nung được bố trí kế bên lăng mộ nhằm mục đích bảo vệ Tần Thủy Hoàng sau khi ông băng hà.
Dù được nhắc đến từ hàng nghìn năm trước, nhưng phải đến tháng 3/1974, đội quân đất nung mới được phát hiện, khi một người nông dân vô tình bắt gặp lúc đào giếng ở phía Đông núi Lệ Sơn.
Nhiều thập niên sau khi phát lộ, việc khai quật đội quân đất nung vẫn được tiến hành, và ngày càng có nhiều hiện vật mới được phát lộ.
Việc khai quật kéo dài do quy mô của khu vực khảo cổ quá lớn, và các hiện vật bằng đất nung rất dễ vỡ và khó bảo vệ trước các tác động ngoại cảnh.
Trước khi khai quật, các nhà khảo cổ cũng đã dựng một nhà bảo quản khổng lồ bao phủ toàn bộ khu lăng mộ. Việc khai quật toàn bộ lăng mộ ước tính phải tốn hàng trăm triệu USD.
Cho đến nay đã có trên 8.000 pho tượng được khai quật, phần lớn là tượng những người lính bộ binh, trong tư thế đứng thẳng, có mặc áo giáp và trang bị các vũ khí được sử dụng ở Trung Hoa cổ đại như cung, kích, giáo, mác, gươm… Ngoài ra còn có tượng các quan văn, quan võ, hầu cận của hoàng đế.
Về khuôn mặt, kích cỡ, không có chiến binh đất nung nào giống nhau, tất cả đều to bằng người thật, được nặn rất chi tiết, từ móng tay cho đến kiểu tóc, sống động như một đội quân thật sự.
Không chỉ có các binh sĩ, đội quân đất nung còn có cả những cỗ xe ngựa kéo dài đến 2m, chôn cùng tượng ngựa có kích thước bằng ngựa thật, được chế tác rất kỳ công.
Theo các chuyên gia, những bức tượng binh mã này được nặn từ đất sét, nung trong lò ở nhiệt độ thấp, sau khi nung xong được phết một lớp sơn lên bên ngoài để tăng độ bền.
Các tượng binh mã khi vừa đào lên thường có màu sắc riêng biệt, nhưng sau một thời gian đều bị phai nhạt hết. Vì vậy nhiều hiện vật đào lên được đưa ngay vào hầm lạnh - 40 độ C để tạo lớp băng mỏng bao bọc, sau đó bảo quản lâu dài trong kho chứa.
Về tổng thể, quần thể tượng được đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt. Hầm mộ thứ nhất có 6.000 binh mã, là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng. Hầm mộ thứ hai chứa khoảng 1.400 pho tượng kỵ binh và bộ binh đi cùng xe ngựa, được xem là đội cảnh binh. Hầm mộ thứ ba là đội chỉ huy các cấp khác nhau và một xe tứ mã, gồm 68 pho tượng. Ngoài ra còn hầm mộ thứ 4 là hầm trống.
Trong quá trình khai quật đội quân đất nung, các nhà khảo cổ đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với lớp thủy ngân độc hại (nồng độ lớn 280 lần so với mức bình thường), phải di chuyển một khối lượng đất khổng lồ, mực nước ngầm dưới lòng đất khá cao…
Nhưng những gì mà họ nhận được đã xứng đáng với công sức bỏ ra. Đội quân đất nung là bộ sưu tập khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử, không bị xâm hại dù đã trải qua hơn 2.000 năm.
Những hiện vật phát hiện được không chỉ là những tư liệu quý về lịch sử Trung Quốc thời Tần Thuỷ Hoàng mà còn mang tầm vóc của một di sản nhân loại.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là vị Hoàng đế sáng lập ra nhà Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất vào năm 221 trước Công nguyên sau khi tiêu diệt các nước chư hầu khác. Ảnh: Internet.