“Hố tử thần” khủng bất ngờ xuất hiện giữa sa mạc, chuyên gia hoang mang
Các chuyên gia đang điều tra về sự xuất hiện của một hố sụt khổng lồ gần một mỏ đồng ở sa mạc Atacama, Chile.
Lê Trang (theo Reuters)
Xem toàn bộ ảnh
Theo Cơ quan Địa chất và Khai thác Quốc gia Chile, hố sụt khổng lồ rộng 25 m và sâu khoảng 200 m, nằm gần mỏ đồng do công ty Lundin Mining vận hành tại địa điểm Alcaparrosa, cách thủ đô Santiago của Chile khoảng 665 km về phía bắc.
"Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ vật chất nào dưới đó, ngoại trừ rất nhiều nước", David Montenegro, Giám đốc Cơ quan Địa chất và Khai thác Quốc gia Chile cho biết.
Ngay sau khi phát hiện hố sụt giữa sa mạc, Lundin Mining đã tạm ngừng khai thác mỏ đồng và thông báo cho các cơ quan chức năng có liên quan.
"Không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến công nhân, thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng", công ty nhấn mạnh.
Hố sụt vẫn ổn định kể từ khi xuất hiện. Nó nằm cách ngôi nhà gần nhất 600 m nên ít có khả năng ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương.
Cristian Zuniga, thị trưởng của đô thị Tierra Amarilla gần đó với khoảng 13.000 cư dân, đang yêu cầu làm rõ nguyên nhân xuất hiện hố sụt: liệu đây là kết quả của hoạt động khai thác hay do hiện tượng gì khác.
Chile hiện là nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới. Quốc gia này cung cấp sản lượng toàn cầu lên tới hơn 25%.
Hố sụt, thường được gọi là hố địa ngục hay hố tử thần, hình thành do sự sụt lún đất đá trên bề mặt, khi đất bên dưới bị làm rỗng đến mức không còn đủ liên kết để đỡ các khối đất đá bên trên.
Hiện tượng có thể do các yếu tố tự nhiên gây ra như mưa nắng và nước ngầm, dẫn đến phong hóa và xói mòn.
Bên cạnh đó, hoạt động đào hầm của con người trong khai khoáng và xây dựng hệ thống dẫn nước cũng có thể tạo điều kiện cho hố sụt phát triển.