Hội nghị Trung ương 10 bàn những nội dung quan trọng nào?
(Kiến Thức) - Ngày 16/5, Hội nghị Trung ương 10 khóa XII chính thức khai mạc tại Hà Nội sẽ bàn về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và quyết định một số trường hợp nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và chỉ đạo các phiên họp tại Hội nghị trung ương 10 khai mạc hôm nay 16/5.
Thực hiện chương trình làm việc cả nhiệm kỳ khóa XII, trong các ngày từ 16 đến 18/5, tại Hà Nội, Ban chấp hành trung ương Đảng họp, thảo luận, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và chỉ đạo các phiên họp.
|
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và chỉ đạo các phiên họp tại Hội nghị trung ương 10 khai mạc hôm nay 16/5. |
Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII nghe báo cáo và thảo luận các nội dung quan trọng:
+ Đề cương Báo cáo chính trị và Đề cương báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011. Sau một quá trình bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện, các dự thảo báo cáo này sẽ trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức vào đầu năm 2021.
+ Đề cương Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Những dự thảo văn kiện này khi hoàn thành sẽ trình Đại hội XIII của Đảng.
+ Đề cương Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng (sẽ trình Đại hội XIII của Đảng).
+ Tổng kết việc thực hiện chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và dự thảo chỉ thị của Bộ Chính trị khóa XII về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại Hội nghị 10 lần này, Ban Chấp hành trung ương cũng nghe báo cáo các công việc quan trọng của Bộ Chính trị đã chỉ đạo và giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 9 đến nay; nghe báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị ngày 15/5. |
Trước đó, ngày 15/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 10 khóa XII; Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.
Sau khi nghe Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo, các Ủy viên Bộ Chính trị thảo luận, phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Bộ Chính trị hoan nghênh, đánh giá cao các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một thời gian ngắn các tiểu ban đã nghiêm túc, tích cực chỉ đạo xây dựng các tờ trình, báo cáo, đề án, các dự án luật để chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 10 khóa XII và Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
"Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan chức năng cần tiếp tục chuẩn bị, xem xét, rà soát lần cuối các công việc, bảo đảm để các kỳ họp thành công tốt đẹp", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tất cả những công việc đã có trong chương trình, kế hoạch, hằng tháng lãnh đạo chủ chốt đã họp và có văn bản chỉ đạo, từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phụ trách lĩnh vực phải chỉ đạo làm thật tốt, khẩn trương, dứt điểm, không để kéo dài, còn vướng mắc gì thì phải kịp thời đưa ra bàn, tìm giải pháp giải quyết ngay.
"Công việc sắp tới rất nhiều, phức tạp, thời gian còn lại rất ít, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận, đoàn thể cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, kịp thời hơn, bảo đảm để các hoạt động của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả cao" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Được biết, cũng tại Hội nghị này, trên cơ sở xem xét Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định một số trường hợp nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.