Hồi ức vua Bảo Đại: Lễ tế Nam Giao cuối cùng dự báo 'điềm trời'

Lễ tế Nam Giao là một phong tục nhiều người biết đến. Thế nhưng lễ tế quan trọng bậc nhất đất nước thời phong kiến này, qua lời kể của chính một vị vua, thì có lẽ Bảo Đại là người nói đến đầu tiên.

Hồi ức vua Bảo Đại: Lễ tế Nam Giao cuối cùng dự báo 'điềm trời'
Lễ tế Nam Giao năm 1933 do vua Bảo Đại làm chủ tế, diễn ra trong hai ngày 15 - 16/3/1933
Lễ tế Nam Giao năm 1933 do vua Bảo Đại làm chủ tế, diễn ra trong hai ngày 15 - 16/3/1933 
Cuộc tế lễ không dính líu đến tôn giáo nào
“Khi đức tiên đế tôi là Hoàng đế Gia Long khôi phục được sơn hà, Ngài liền giữ đúng mỹ tục cổ hàng ngàn năm, đã quyết định đặt ra một buổi tế, để tạ ơn Trời Đất đã ban ơn cho khắp thần dân, cứ mỗi năm phải tế một lần, gọi là tế Nam Giao. Nhưng kể từ đầu thế kỷ 20, tế Nam Giao được rút xuống còn ba năm một lần.
Tế này chỉ dành riêng cho Hoàng đế, vốn kiêm nhiệm luôn chức vụ Đại giáo chủ để đứng trung gian giữa Thượng đế và con người, và Hoàng đế đại diện cho khắp cả thần dân.
Việc tế lễ này không liên quan gì đến Phật giáo hay việc thờ cúng gia tiên, cũng không dính líu gì đến những nghi thức về tôn giáo nào từng có ở Việt Nam. Thật sự, theo đúng tinh thần của cuộc tế, đây là việc cúng tế nằm trong triều chính, do nhà vua đặt ra, để tỏ sự tôn sùng đối với Ngọc hoàng Thượng đế, cai quản chư thần, đồng thời mang một hình thái cầu xin xá tội của bậc Hoàng đế, xin Đức Ngọc hoàng đại xá cho những lỗi lầm đã trót mắc phải. Vì vậy, cuộc tế lễ phải tỏ ra đồ sộ và vô cùng trọng thể.
Ngày tế được công bố trước ba tháng. Hoàng đế ra chỉ dụ và do Tào Khâm thiên giám đã chọn được ngày trước.
Kiệu vua được 6 – 8 người khiêng, che hai chiếc tán lớn, một vị đại thần đi phò giá, hai hàng võ quan đi sát hai bên
Kiệu vua được 6 – 8 người khiêng, che hai chiếc tán lớn, một vị đại thần đi phò giá, hai hàng võ quan đi sát hai bên 
Lời cáo tri được một viên quan đại thần tuyên đọc không phải cho thần dân, mà để báo cho các vị Thần linh. Hai tuần lễ trước ngày tế, sẽ cáo tri với các đấng Tiên đế để cung nghinh các ngài về dự lễ.
Thế rồi, một sắc chỉ của Hoàng đế được ban bố vào ba ngày trước hôm tế, để nhắc nhở các người dự tế, phải trai giới và dọn mình cho thật thanh khiết.
Việc trai giới đó rất quan trọng. Để nhắc nhở nhà vua một cách cụ thể, trước đó bốn ngày, người ta mang một tượng bằng đồng, gọi là đồng nhân, rước đến cung điện của vua, để ngày đêm vua trông thấy vị thần tượng trưng cho trong sạch và chay tịnh này, hầu giữ mình cũng y như vậy.
Đúng hôm tế, mới 8h sáng, khi súng thần công báo hiệu mở đầu, một đám rước đang tụ tập sẵn ở điện Cần Chánh, được khởi hành rất nghiêm chỉnh ra đàn tế ở phía nam thành phố.
Đám rước chia làm ba đoạn, mỗi đoạn tương đương với một quân đoàn gọi là tiền quân, trung quân và hậu quân. Thoạt đầu là một hàng voi choàng đầy phẩm phục rất lộng lẫy, có một người quản tượng và một vị quan ngồi, có lọng che. Theo sau là đủ hạng nhạc công, mang các trống chiêng, các đồ nghi trượng, như loa đồng, cờ xí, hương án, tàn lọng và nhạc cụ.
Trung quân là nơi quan trọng nhất. Ngoài các phần việc, còn có lính thị vệ mang hèo và trượng là các loại vũ khí chỉ huy và hộ vệ, mang kiếm của vua và các tinh kỳ riêng biệt. Sau đó là nhóm vác cờ, thuộc các cờ biểu tượng của Thiên đình như cờ Đại hùng tinh, cờ Nhật/Nguyệt, và cờ ngũ hành thuộc về Dịch lý.
Vua ngồi trong chiếc ngự liễn sơn son thếp vàng đi ở giữa, xung quanh có các kiệu của các hoàng thân dòng huyết mạch, có các kỵ sĩ và các phường tuồng xênh xang bao quanh. Ngự liễn của vua được sáu người khiêng, che hai chiếc tán lớn, một vị đại thần đi phò giá, và hai hàng võ quan đi sát hai bên. Lính ngự lâm và cung thủ đi hộ vệ. Sau đó đến các xe tay kéo các vị thượng thư và các quan dự tế.
Hậu quân thì không mấy long trọng. Đó là hàng quân những người mang các nhạc khí như nhạc bát âm, một chiếc chuông lớn, 12 chiếc lục lạc nhỏ, một trống cái bằng gỗ, một trống cái lớn, gọi là đại cổ, để trên một giá trống thật lớn, 12 chiếc khánh đá, mỗi chiếc có một tiếng vang cao thấp khác nhau, một chiếc sáo lớn để trưng bày, một chiếc cổ cầm thật lớn. Nhiều phường chèo nhảy nhót làm trò khép hậu. Chúng mang rìu và mộc như chiến sĩ đi hộ vệ. Hai con voi khoác vải vóc lộng lẫy đi sau cùng đám rước.
Đêm “tự giam mình” của vua trước lễ tế
Đám rước đi thật thong thả, và gồm khoảng trên hai ngàn người, mất nhiều giờ để đi trong thành phố, trước khi đến đàn tế Nam Giao. Đàn tế ở giữa nhiều đồi núi, trên có cây thông, nằm hướng chiều Bắc Nam và có bốn vòng đai lồng vào nhau. Toàn thể được bao bọc bằng một bức tường gạch, chiều dài 390m Bắc chí Nam và chiều ngang 265m từ Đông sang Tây.
Hàng rào thứ hai hình vuông, mỗi chiều 165m, và hàng rào thứ ba cũng tính hình vuông mỗi chiều 85m. Đây được gọi là bàn thờ Đất. Cuối cùng trèo lên quãng mươi mười hai nấc thì đến một khu hình tròn đường kính 42m, gọi là bàn thờ trời. Ở giữa có lợp một chiếc lều vải rộng, bằng vóc màu xanh để tượng trưng cho trời.
Đám rước hàng ngàn người thu hút sự chú ý của dân chúng
Đám rước hàng ngàn người thu hút sự chú ý của dân chúng 
Mỗi hàng rào đều có bốn cửa ngoảnh theo phương hướng gọi là tứ phương Đông Nam Tây Bắc. Phương Nam có ba cổng ra vào, xây bằng gạch. Cửa chính giữa dành cho các bậc thần linh, cửa bên hữu dành cho Hoàng đế. Mỗi cửa đều có chiếc bình phong cốt để ngăn chặn tà thần.
Khi đám rước đến đàn tế, thì đã sang giờ Ngọ. Hoàng đế được đưa đến phía Tây Nam của đàn tế, vào một cung gọi là Trai cung, túc cung của trai giới và chay tịnh. Hoàng đế nghỉ ở đó một đêm, để suy tưởng hầu như đơn độc chỉ có một mình.
Đến đúng hôm cúng tế, mới 2h sáng, đại kỳ được kéo lên. Thật lạ lùng, dù cho đêm trước hay ngày hôm trước có mưa, thì hôm nay trời quang mây tạnh trong suốt buổi lễ. Tôi rời khỏi Trai cung, lên kiệu và vào cửa Tây, ở đó tôi đi bộ leo lên đàn về phía phải, và do cửa Nam tiến vào, và dừng lại một nơi gọi là Mục dục để làm lễ rửa tay.
Nhiều bó đuốc thắp sáng ở bốn góc của đàn tế. Về góc Đông Nam có một đám lửa thiêu lớn, đây là nơi làm lễ tam sinh, gọi là thần trù (tức nhà bếp của chư thần), trên đó có thiêu cả một con nghé, do bọn phần việc phải nhóm lửa luôn tay cho cháy thật to.
Trên tất cả các bàn thờ, những cây nến khổng lồ, cao cả thước tây, cháy sáng rực khắp nơi, ngọn nến to bằng nắm tay. Bóng tối đã lui vào các bụi hốc sâu thẳm bao quanh bàn tế. Trong ánh lửa bập bùng, nhạc bát âm hòa nhịp làm con người bị say sưa quyến rũ vào một cõi u minh bát ngát tôn thờ.
Bí mật nội dung bài tế chỉ nhà vua biết
Kể từ lúc ấy, tất cả mọi cử động của tôi đều phải đưa vào đúng nhịp, sao cho hòa động với các viên bồi tế. Chân tôi khi tiến, khi thoái, phải theo một hình vẽ vô hình, cho đúng nghi thức, theo tiếng xướng của viên lễ sinh.
Vẫn bằng cửa Nam, tôi tiến vào bàn thờ Đất. Ở giữa khu này, có dựng một chiếc lều bằng vóc vàng, gọi là “nhà vàng”, có đặt một hương án xếp đầy lễ vật. Hai bên có tám án hương thờ các vị thần linh là:
Dương quan tinh tú thần (Thần Mặt Trời và các vì sao).
Phong vũ vân lôi thần (tức Thần Gió, Mưa, Mây, Sấm).
Binh tướng nguyệt đức thần (Thần Mặt Trăng và Quân đội).
Sơn hài hà hồ thần (tứu Thần Núi, Bể, Sông, Hồ).
Bình nguyên phì địa thần (tức Thần của các Đồng bằng và màu mỡ).
Dạ quang thần (Thần ban đêm).
Du thần (Các Thần có ảnh hưởng đối với trái đất và con người).
Khi tôi vào trước bàn thờ Đất, sẽ đốt to ngọn lửa thiêu con nghé, còn lông nghé và huyết nó thì được chôn xuống đất, để cúng dâng cho Đất. Tôi châm nhang. Các viên bồi tế liền khấn vái cất cao giọng tụng bài Thái hòa để ca tụng sự thái bình, an lạc.
Một đội tượng binh nhà Nguyễn
Một đội tượng binh nhà Nguyễn 
Sau khi vái tạ các thần, tôi bước lên ngôi đền thờ Trời, ở mô đất tròn chính giữa. Đây có hương án thờ Đức Ngọc hoàng Thượng đế. Tôi dâng ngọc ngà, vóc lụa. Sau đó rót rượu cúng để lên bàn thờ cùng với các lễ vật khác. Trong khi đó, kẻ hầu cận mang đến một chiếc khay đựng thịt tam sinh (thịt nghé, thịt heo và thịt dê), cũng được đặt lên bàn thờ.
Đây là lúc quan trọng nhất. Các lễ sinh xướng phủ phục, tôi và các bồi tế đều phải quỳ cả xuống. Một viên quan đại thần đến trước hương án, lấy một bài văn tế do tôi đứng chủ tế. Ông ta quỳ xuống và tiến quỳ vào trước mặt tôi, và đây là giờ hành lễ tế. Tất cả đều im bặt.
Bài văn tế do cơ quan trong Nội các viết, nhưng có một khoảng trống ở phía trên, để dành riêng cho tôi, vì chỉ có một mình tôi biết. Chỗ này, tôi sẽ viết dưới hình thức những danh hiệu riêng của từng vị tiên đế, có thêm những đức tính và những thành tích của các Ngài khi còn sinh tiền.
Im lặng hoàn toàn, chỉ có tiếng nến cháy xèo xèo. Viên quan đọc văn tế cất tiếng ê a đọc (giọng văn tế):… “Nhân dịp đầu xuân về, giang sơn tô thắm, cây cỏ tốt tươi, người vật tràn trề nhựa sống, hạ thần thay mặt toàn thể thần dân, cùng các triều thần, hạ thần xin kính dâng lên Đức Chúa tể muôn loài cảu cõi Trời và cõi Đất, lễ vật tam sinh, ngọc ngà, tơ lụa, gạo rượu, hương hoa phẩm vật”...
Sau khi khấn vái xong, tôi phải rót rượu hai lần để cúng. Mỗi lần, tôi bưng một cốc rượu bằng hai tay, nâng cao ngang trán, và vái ba vái.
Sau đó, các viên bồi tế được chia nhau uống rượu này, và ăn phần tế ngay lúc ấy, gọi là được ban lộc Trời. Họ cũng đặt vào một chiếc khay một phần tế, để mang về cung dành cho tôi. Những phẩm vật nào không được phân chia, thì cùng với bài văn tế được đốt ở trong một cái chuông đồng. Không để sót vật gì còn lại.
Thái hậu Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại
Thái hậu Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại 
Khói lửa đã mang hương vị này để dâng cúng lên các thần linh ở cõi âm. Tôi quay lại nhìn vào chiếc chuông đang đốt các đồ cúng lễ còn đang cháy. Lúc đó các Thần linh đã trở gót về bên kia thế giới. Viên quan bồi tế xướng lễ tất. Tôi liền bước xuống ra khỏi bàn thờ Trời, rồi ra khỏi đàn tế. Ở đây đã có chiếc kiệu khiêng tôi về Trai cung. Ở ngoài sân, các quan và các hoàng thân cùng huyết thống cũng như các vị thượng thư, và các viên quan võ, đầu phủ phục và chúc tôi đã hoàn tất cuộc tế.
Thế rồi, đám rước lại bắt đầu như lúc ra đi, để trở về hoàng cung. Suốt dọc đường, dân chúng đứng xem đông nghịt. Chín phát súng thần công nổ vang báo hiệu sự hồi cung của tôi.
Cuộc tế lễ cuối cùng
Năm 1953, lẽ ra phải tổ chức lễ tế Nam Giao. Đức bà Từ Cung Thái hậu vẫn liên lạc với các nhà chiêm tinh cũ của triều đình, nên báo cho tôi biết ngày giờ thuận tiện để làm lễ. Lúc ấy, tôi đang ở Ban Mê Thuột, nên định rằng sẽ cử hành buổi tế ngay tại chỗ, vì con đâu cha mẹ đấy, theo phong tục Việt Nam.
Nơi đất được chọn là làng Boun Trap, cách xa Ban Mê Thuột hơn 10km, trên đường ra hồ và ở cửa rừng. Tôi cho đem đàn voi của tôi đến, độ 20 con to lớn đồ sộ, tập trung thành vòng tròn, để như là dâng buổi tế sống vậy.
Mỗi con vật đó, có một tiểu sử ly kỳ. Trong bọn này, đặc biệt có con gọi là Buôn Con, là con voi đực cao tới 3m. Khi tôi tới Buôn Đôn, viên chủ làng cho tôi mượn con voi này để đi săn. Đó là con vật giá trị nhất của ông ta. Thấy con vật cực kỳ tinh khôn, tôi đề nghị bán lại cho tôi, nhưng ông ta từ chối và kêu lên: “Người ta có thể lấy vợ tôi, lấy con gái tôi nhưng không lấy được voi của tôi...”.
Cuối cùng với sự hỗ trợ của viên công sứ sở tại, sau khi tổ chức nhiều buổi hội hè, viên tù trưởng mềm lòng và bằng lòng bán lại cho tôi. Những quản tượng Tây Nguyên đã đưa nó đến kho sưu tập thú rừng của tôi ở Quảng Trị. Khi đến gần Cam Lộ, họ liền trao cho các quản tượng miền Trung, vaà con voi kiêu hãnh này tòng phục ngay. Tôi cưỡi nó hàng tuần.
Theo gương của các tay săn bắn, thà chết đói còn hơn trồng một cây lúa, Buôn Con cũng từ chối làm việc, kể cả việc đi lấy thức ăn. Tôi phải đưa từ Huế ra một con voi cái, để gom góp đồ ăn lại cho nó. Buôn Con chấp nhận và ăn.
Đám rước hồi cung
Đám rước hồi cung 
Nhưng voi cái lợi dụng lúc đi tìm thức ăn để lảng xa ra và chạy trốn. Có đến sáu lần như vậy. Cứ mỗi lần bỏ chạy Buôn Con phải cùng viên quản tượng đi tìm, đưa về đoàn. Đến lần thứ bảy, viên quản tượng lại đi tìm, khi bắt được con voi cái vô kỷ luật này thì bị nó quật chết tươi.
Buôn Con nghe được đủ mọi thứ tiếng thiểu số, tiếng Việt Nam và cả tiếng Pháp. Nó rất quen thuộc các động tác của tôi, để mỗi khi đi săn thì bao giờ cũng ngừng lại cách con mồi độ 40 thước, để tôi có thể bắn với độ hữu hiệu nhất.
Một hôm, có con hổ nhảy lên lưng nó từ phía sau và cào nó rất sâu. Vết thương bị nhiễm trùng. Cần phải giải phẫu nơi bả vai. Người thú y không có thuốc tê. Trong suốt thời gian giải phẫu người quản tượng nói với nó,bảo nó phải chịu đau một chút, vì điều đó có ích cho nó. Nó nằm im không nhúc nhích. Sau đó nó khỏi.
Năm 1945, Buôn Con bỏ vào rừng trong suốt thời gian tôi vắng mặt. Khi tôi trờ về năm 1949, nó lại về khu sưu tập thú rừng. Buôn Con chỉ có một ngà. Voi một ngà rất dữ tợn, nên khi trong thấy voi một ngà, các loài vật khác đều sợ hãi.
Vào đêm mùa xuân của tháng Tư, quãng 3h sáng, bên rừng đầy đuốc cháy sáng, chúng tôi hành lễ Nam Giao. Trong sự lặng thinh của núi rừng, giữa thiên nhiên tươi tốt, tất cả như thân cận gần nhau, nghi thức buổi lễ đã vô cùng cảm động, hơn cả buổi lễ ở đàn Nam Giao ở Huế. Tôi báo cáo lên trời đất sứ mạng của tôi và buổi tế đã kéo dài cho tới gần sáng.
Bất ngờ một con voi tỏ ra nóng ruột, bất thình lình tấn công con voi kế cận. Tất cả vòng tròn voi, như một lâu đài giấy bồi nghiêng ngửa, trở thành lộn xộn và tan rã. Tất cả những người dự lễ đều mạnh ai nấy chạy, cố gắng tránh những con vật hung hăng phá đổ mọi vật trên đường.
Tôi gọi Buôn Con, bảo nó đến gần tôi và ra lệnh cho nó dẹp cuộc bạo loạn này. Nó liền đi gọi từng con một lần lượt, có khi chỉ bằng vài tiếng hí, để bắt đứng vào hàng ngũ. Trong vòng 10 phút sau trật tự mới lại như cũ. Một số người từng theo tôi dự lễ này, cho rằng đây là “triệu chứng của nhà Trời””.
Trong số báo sau, Pháp luật 4 phương sẽ giới thiệu tới bạn đọc hồi ức của Bảo Đại về những tháng ngày tuy mang danh “quốc trưởng” nhưng phải sống dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp, về nỗi cay đắng của một “ông vua bù nhìn”.
(Còn tiếp)

Ảnh: Độc đáo Lễ tế Đàn Nam Giao triều Nguyễn

(Kiến Thức) - 3h30 phút sáng 17/4, lễ tế Đàn Nam Giao được tổ chức long trọng nhằm tái hiện một không gian Đàn Nam Giao những ngày đầu hưng thịnh của triều Nguyễn. 

Ảnh: Độc đáo Lễ tế Đàn Nam Giao triều Nguyễn
Lễ tế là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2014, nhằm khẳng định tính chính thống của một triều đại và đồng thời cũng là dịp khẳng định sức mạnh uy quyền tối cao nhất của “thiên tử”. Ảnh: Sản vật tế trời là những mâm cỗ nguyên con trâu, lợn.
Lễ tế là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2014, nhằm khẳng định tính chính thống của một triều đại và đồng thời cũng là dịp khẳng định sức mạnh uy quyền tối cao nhất của “thiên tử”. Ảnh: Sản vật tế trời là những mâm cỗ nguyên con trâu, lợn.

Thú chơi Tết độc của vua chúa Việt xưa

Vua chúa Việt xưa rất coi trọng Tết Nguyên đán và có các nghi lễ và thú vui chơi Tết riêng biệt...

Thú chơi Tết độc của vua chúa Việt xưa
Trong sử cũ, vào dịp đón năm mới, thiên tử thường nhân việc này mà làm những việc ích nước, lợi dân, như vua Lê Đại Hành năm Đinh Hợi (987) “cày ruộng tịch điền ở núi Đọi... lại cày ở núi Bàn Hải” (theo Việt sử lược). Lại có vua nhân thời gian đó đổi niên hiệu như Lý Huệ Tông năm Tân Mùi (1211) đổi niên hiệu là Kiến Gia; vua Trần Thánh Tông ngày Một Tết năm Quý Dậu đổi niên hiệu là Bảo Phù; cũng ngày ấy năm Giáp Tý (1324), vua Trần Minh Tông đổi niên hiệu là Đại Bảo...

Tận mục chốn tôn nghiêm bậc nhất Việt Nam

(Kiến Thức) - Đàn tế Nam Giao triều Nguyễn là nơi tôn nghiêm bậc nhất Việt Nam, khẳng định tính chính thống của một đất nước và vương quyền tối cao của nhà vua.

Tận mục chốn tôn nghiêm bậc nhất Việt Nam
Tan muc chon ton nghiem bac nhat Viet Nam

Đàn tế Nam Giao triều Nguyễn thuộc phường Trường An, thành phố Huế, cách kinh thành Huế tầm 3km về hướng đông nam, nằm trên một đồi núi cao của vùng đất Phú Xuân – Huế.

Tin mới