Dưới tán rừng đó, ông Ten trồng các loại cây công nghiệp, xen cây ngắn ngày đang cho năng suất vượt trội . Người dân trong xã, ngoài huyện đều tấm tắc khen, ông Ten trồng cây bằng tâm huyết mà cả một phần đời ông đã gắn vào.
Đã 75 tuổi nhưng ngày ngày ông Ten vẫn tự mình vào chăm sóc vườn cây. Ảnh Nguyên Vỹ |
Năm 2017, ông Võ Văn Ten được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn tỉnh Tây Ninh.
Ở địa phương này, mía, mì, cao su được coi là thế mạnh so với cả nước. Nhưng từ 20 năm trước, ông Ten đã âm thầm đi theo con đường riêng, ít ai ngờ, đó là trồng rừng. Rừng của ông cũng không lấy gỗ như nhiều người nghĩ mà chỉ để đó…cho con cháu mai sau.
Ông Ten tự hào với những cây rừng vạm vỡ mình tự trồng. Ảnh Nguyên Vỹ |
Cách đây hơn 20 năm, khi bắt tay vào trồng cây, ai cũng chê ông Ten dở hơi. “Nhưng nhìn núi rừng quê hương trọc lốc giữa vùng đất biên giới, tui tự hỏi-ngày mai của mình và cháu con sẽ ra sao?. Tôi bàn nhiều với gia đình rồi cả nhà mới đồng ý việc trồng cây rừng”, ông Ten nhớ lại.
Ông Ten thân thuộc với mỗi cây trồng như đứa con tinh thần. Cứ ai nhắc đến chuyện chặt cây bán gỗ là ông gạt phắt đi: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc bán rừng”.
Trồng xen canh tre để cải thiện thu nhập trong rừng cây lâu năm. Ảnh Nguyên Vỹ |
Từ 1,2ha đầu tiên cách đây 20 năm, 10 năm sau, ông đã mua được gần 100ha đất và rồi dành hẳn ra phân nửa diện tích để trồng các loại cây rừng, cây lâm nghiệp có giá trị cao như keo lai, tràm, gỗ sưa, xoan đào...Và thật tuyệt vời, đến nay, tổng diện tích rừng trồng của ông Ten đã hơn 200ha.
Ông kể ngày trước khó khăn, cũng muốn trồng rừng bán gỗ để thoát nghèo. Nhưng nghĩ đến chuyện chặt rừng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, khí hậu, ông lại không nỡ, cứ muốn giữ nó đến cuối đời!
Giờ đây, nơi thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, những cây rừng hơn 20 năm tuổi của gia đình ông Ten đang vươn lên sừng sững phủ 1 màu xanh mướt trên mảnh đất biên giới phía Tây. Diện tích đất kế bên, nơi ông trồng mía, cao su, mãng cầu…đang hưởng lợi từ cánh rừng do ông gầy dựng bởi đất đai được bồi bổ, nước được điều hòa, khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi sắc, giàu sức sống.
Vườn cao su nằm cạnh là ví dụ cụ thể co tác dụng của cánh rừng lâm nghiệp ông Ten trồng khi không bị gió mưa làm đổ ngã. Đất tích lũy nhiều dinh dưỡng, giữ ẩm tốt; cao su không cần thêm phân bón mà vẫn cho hàm lượng mủ cao.
Để cải thiện việc cây lâu năm không cho thu nhập, ông The trồng xen giống tre điền trúc. Đầu mùa lấy măng, cuối mùa thì bán cây trưởng thành.
Cũng dưới tán rừng này, các loại cây dược thảo quý giá vẫn được ông cần mẫn đưa về chăm sóc như một cách bảo tồn chứ chưa làm thương mại.
Ngoài diện tích rừng, phần đất còn lại ông canh tác rất nhiều loại cây khác nhau từ cao su, mía cho tới cây ăn trái như chuối, mãng cầu... Đó là cách mà ông Ten chia bớt rủi ro trong trồng trọt.
Hiện ông Ten vẫn duy trì việc làm ổn định cho khoảng 30 hộ dân địa phương với 50 lao động làm thường xuyên có thu nhập. Mỗi năm, ông Ten bỏ ra chừng 1 tỷ đồng vốn chăm sóc vườn rừng, và ông nhẩm tính tiền lãi thu về tầm 1,5 - 2 tỷ đồng.
Ông Ten kể, có lần ông khai thác khoảng 15 ha rừng, có người tiếc khi thấy rừng trồng thì lâu mà "phá" thì nhanh. Ông giải thích do làm không đúng quy cách nên phải phá đi để trồng lại cho hiệu quả hơn. Cứ mỗi năm ông Ten lại trồng thêm cây rừng, khi cây ngắn ngày đến tuổi khai thác, những khu rừng mới của ông lại tiếp tục vươn lên dưới chân núi Bà Đen huyền thoại.