Hơn 22.000 căn hộ bị “treo” sổ hồng: “Chỉ mặt” doanh nghiệp... dân kiện được chứ?
(Kiến Thức) - Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc các doanh nghiệp chậm bàn giao sổ hồng thì người dân có thể khởi kiện chủ đầu tư/doanh nghiệp nếu trong hợp đồng mua bán nhà chung cư có quy định cụ thể hoặc theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… liên quan đến việc hơn 22.000 căn hộ bị “treo” sổ hồng.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết
Liên quan đến thông tin sự việc 11 doanh nghiệp với 44 dự án, gồm hơn 22.000 căn hộ đang bị “treo” sổ hồng trên địa bàn TPHCM, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND TPHCM tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.
Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
|
Hơn 22.000 căn hộ ở TP HCM đang bị "treo" sổ hồng. (Ảnh minh họa). |
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu công văn số 3461 của UBND TPHCM, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị nêu trong công văn theo chức năng, thẩm quyền.
Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra UBND TPHCM thực hiện công tác này tốt hơn, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho người dân thành phố.
Theo tìm hiểu của PV, trong số các doanh nghiệp bị “chỉ mặt” có căn hộ đang “treo” sổ hồng được Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thống kê có Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn, Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam, Công ty CP đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát…
Cư dân có kiện được chủ đầu tư?
Trước việc, hơn 22.000 căn hộ bị “treo” sổ hồng, dư luận đã đặt ra câu hỏi: “Chỉ mặt” doanh nghiệp... dân kiện được chứ?
Về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Thứ nhất, việc các doanh nghiệp chậm bàn giao sổ hồng cho người dân thì người dân có thể khởi kiện chủ đầu tư/doanh nghiệp nếu trong hợp đồng mua bán nhà chung cư có quy định cụ thể hoặc theo quy định của pháp luật.
Thông thường, tại các hợp đồng mua bán nhà chung cư giữa bên bán là chủ đầu tư và bên mua là người dân hoặc cũng có thể là doanh nghiệp đều có quy định về việc bàn giao nhà, bàn giao sổ Hồng.
Trường hợp trong hợp đồng có quy định về việc nếu chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ giao sổ hồng, hoặc giao chậm thì bị phạt hoặc từ hành vi này gây thiệt hại cho bên mua thì người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa. |
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Tùng cho rằng sự việc chủ đầu tư không trả sổ hồng cho người mua là do vấn các cơ quan "treo" việc cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ nhiều phía, vì vậy theo như yêu cầu và chỉ đạo của Thủ tướng thì các bộ ngành, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng thống nhất để giải quyết vấn đề này cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, việc mua bán bất động sản và đặc biệt là các căn hộ thì người dân hay các doanh nghiệp cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bởi mua nhà chung cư thường xuất hiện nhiều vấn đề như: đặt cọc giữ chỗ, mua theo tiến độ, bàn giao nhà,...
Những vấn đề này đều có rủi ro nhưng nếu biết đến các quy định của pháp luật, hiểu được vấn đề thì đều có thể tiến hành. Vì vậy, trước khi mua căn hộ, chung cư thì cần phải tìm hiểu tính pháp lý của căn hộ cũng như về chủ đầu tư. Điều này sẽ giúp bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người mua cũng như hạn chế được rủi ro.