Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội trong ngày 25/1, thành phố đang điều trị cho 69.075 người mắc COVID-19.
Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), các bệnh viện thuộc Hà Nội (3.394), cơ sở thu dung của thành phố (745), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (4.956). Ngoài ra, 59.615 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 25/1, cho thấy Hà Nội có 1.227 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.221 bệnh nhân COVID-19 ở mức độ trung bình, 691 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 6,4% so với trung bình 7 ngày trước).
Trong đó, 570 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 37 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 20 người thở máy không xâm lấn, 60 ca thở máy xâm lấn và 4 trường hợp phải lọc máu.
Trong ngày 25/1, Hà Nội có 19 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Từ ngày 29/4/2021 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 506 trường hợp mắc COVID-19 và qua đời.
Thành phố đã tiêm được tổng cộng 14.541.317 mũi vaccine phòng bệnh COVID-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 241.072, mũi nhắc lại là 2.193.061.
Cũng trong ngày 21/1, Hà Nội ghi nhận thêm 2.957 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc của thành phố ở làn sóng dịch thứ 4 lên 117.535 người. Các trường hợp này được phát hiện trên toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội.
|
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội. |
Một số địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều trong ngày là Gia Lâm (184), Hoàng Mai (146), Đông Anh (128), Đống Đa (107), Nam Từ Liêm (104), Thanh Trì (84),…
Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND Hà Nội tính đến ngày 21/1, Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng - nguy cơ). Hà Nội vẫn có 4 quận/huyện cấp độ 3 là Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Chương Mỹ; 26 khu vực còn lại ở cấp độ 2.
Chiều 25/1, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành chủ động triển khai những biện pháp đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp gồm trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ; có kế hoạch phòng, chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh.
Đồng thời, các đơn vị tuyến trên phải sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết. Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron; có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.
Tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác.
Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết bị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày và kịp thời báo cáo mọi diễn biến bất thường về sở để có phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời.