Nhiều lễ hội truyền thống linh thiêng của Việt Nam thời gian qua đã "nhuốm" các hình ảnh phản cảm như cảnh đánh nhau, chửi bới, dẫm đạp lên nhau để tranh cướp lộc khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Theo thông tin từ tờ Zing, tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội) hôm mùng 6 tháng Giêng vừa qua (tức ngày 24/2), khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng, hàng chục thanh niên đã lao vào cướp để lấy may mắn cho cả năm. Tuy nhiên, chỉ 1 lúc sau, cuộc cướp hoa tre đã trở thành 1 cuộc hỗn chiến khi nhiều người cầm cả gậy để vụt tới tấp vào đội bảo vệ kiệu. Những người khênh và bảo vệ kiệu không còn cách nào khác cũng phải đuổi theo đánh trả những thanh niên thiếu văn hóa.
Cảnh đánh nhau tại lễ hội đền Gióng. Ảnh: Zing. |
Cảnh hỗn chiến tại lễ hội diễn ra chỉ vài phút đồng hồ nhưng cũng đủ làm cho du khách tham dự thấy ngán ngẩm và kinh sợ. Nhiều thanh niên thấy đánh nhau còn hùa vào xem.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, tại lễ hội “Đả cầu cướp phết” ở sân đình Đông Lai (Bàn Giản, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) hôm mùng 7 tháng Giêng (tức 25/2), một số thanh niên đã cầm dao “truy sát” tại sân đình khi nghi thức tế lễ đang diễn ra.
Cụ thể, trong lúc lễ tế đang diễn ra, một thanh niên cầm theo dao bầu chạy vào đám đông để la hét đe dọa, rượt đuổi các đối tượng khác khiến nhiều người có mặt tại lễ hội lo sợ.
Rất may lực lượng công an huyện Lập Thạch đang làm nhiệm vụ tại lễ hội “Đả cầu cướp phết” đã can thiệp kịp thời, trấn an người dự lễ.
Một thanh niên vung dao truy sát người tại sân đình trong lễ hội “Đả cầu cướp phết”. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Không chỉ 2 lễ hội này mà trước đó, tại nhiều lễ hội truyền thống của Việt Nam cũng xảy ra tình trạng đánh nhau, ẩu đả rất phản cảm.
Trao đổi với Kiến Thức, TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, nhà văn hóa - sử học, cho hay, những hình ảnh phản cảm như ẩu đả, đánh nhau, dẫm đạp lên nhau để cướp lộc..., nhất là cảnh đánh đoàn rước kiệu và bảo vệ kiệu trong lễ hội đền Gióng vừa qua đã làm xấu đi hình ảnh và ý nghĩa của những lễ hội truyền thống của dân tộc. Điều đó cho thấy, một phong tục cũ xa xưa đã bị biến dạng.
"Không phải đến bây giờ cảnh hỗn chiến, ẩu đả, dẫm đạp mới xảy ra tại các lễ hội, mà tình trạng này xuất hiện từ vài năm nay, nhưng tôi không hiểu sao vẫn không được giải quyết triệt để, hoặc ít nhất những sự việc như vậy cũng phải được hạn chế đi. Tôi không ngạc nhiên trước những tình trạng đánh nhau tại các lễ hội nhưng tôi cảm thấy buồn vì mức độ và quy mô càng ngày càng nghiêm trọng hơn", TS Nhã nói.
Cũng theo ông Nhã, nguyên nhân để dẫn đến những sự việc này là do một bộ phận công dân đã không còn biết kiềm chế cảm xúc cá nhân, không biết cách hành xử đúng mực giữa cộng đồng. Và căn nguyên sâu xa của những điều này là do giáo dục từ gia đình và xã hội.
Hiện nay, một bộ phận lớn người dân đi đến các lễ hội chỉ với tâm thế của kẻ cầu lợi hoặc đi chơi mà không hiểu rằng đi đến những nơi ấy, điều đầu tiên cần tôn trọng là "Lễ". Có vui chơi, có cầu may cho mình nhưng tất cả chúng phải được đặt trong cái Lễ.
Rất nhiều người nhầm lẫn rằng lễ hội là chỉ có vui chơi mà quên đi phần lễ rất trang nghiêm, cung kính. Với những hành động như đánh nhau ngay tại lễ thì tôi nghĩ là không có lễ gì cả, chỉ có hội thôi. Mà hội kiểu bát nháo như thế thì cũng chẳng phải là truyền thống của dân tộc.
Mất gốc, thiếu giáo dục chính là căn nguyên của các hiện tượng tiêu cực, phản cảm ở các chốn linh thiêng. Ngoài ra, khi những hành vi vô lễ, thậm chí phạm pháp mà không bị xử phạt, trừng trị nghiêm thì nó cứ nảy nở. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội, việc giữ an ninh trật tự cũng như kiến thức pháp luật cho người dân cần phải được các địa phương đẩy mạnh hơn nữa.