Hôn nhân mất vị... như nhà vắng chủ
Không dưng, chị chảy nước mắt. Nhà vắng chủ, vợ vắng chồng, mùi nồng ấm, hạnh phúc còn đâu nữa!
Vợ chồng chị có căn nhà nhỏ, bỏ không đã bảy năm. Thời buổi “cơm cao gạo kém”, hàng xóm thắc mắc, chị thành thật giải thích: “Con không muốn cho thuê, sợ không phải của mình, người ta không ý thức gìn giữ, nhà nhanh xuống cấp”. Từng có thời gian, căn nhà ấy là tổ ấm của chị. Năm đó, dọn về nhà mới không bao lâu thì ba chị bị đột quỵ, mất khả năng tự đi lại. Nhà neo người, mẹ cũng đau yếu, trong khi cô em gái thường xuyên đi công tác nước ngoài, chị phải về chăm cha. Anh khuyên chị: “Mẹ con em cứ ở hẳn bên ngoại, vừa có nhiều thời gian phụ giúp mẹ, vừa không phải buồn những lúc vắng anh. Đợi ba khỏe lại, vợ chồng mình tính tiếp”. Cái ngày “tính tiếp” ấy, đã bảy năm rồi mà vẫn chưa tính được.
|
Ảnh minh họa. |
Mười năm hôn nhân, gom lại số ngày vợ chồng chị bên nhau, chắc không quá một năm. Anh là kiến trúc sư. Từ chỉ ngồi một chỗ nhận thiết kế các công trình, anh dần kiêm luôn trách nhiệm của nhà thầu thi công. Rong ruổi theo công trình từ tỉnh này sang tỉnh nọ, có khi ba tháng anh mới về nhà. Thương chồng một mình vất vả kiếm tiền nuôi vợ con, còn giúp chị chu toàn cho cha mẹ nên trong những cuộc gọi, hiếm khi chị đề cập những khó nhọc, buồn phiền của bản thân. Chị quan niệm, việc gì tự giải quyết, xoay xở, chịu đựng được, chị sẽ không để chồng phiền lòng. Những lần ít ỏi anh về thăm, chị cố tạo cho anh sự thảnh thơi, nghỉ ngơi trọn vẹn. Về phía anh, phần thấy mọi thứ ở nhà vợ cắt đặt ổn thỏa, phần cũng nghĩ mình đáng được như thế nên ít khi hỏi han hay giúp đỡ vợ. Anh dành phần lớn thời gian nghỉ để gặp gỡ, tụ tập bạn bè.
Thật ra, chị luôn thấy rất buồn. Không trách chồng vô tâm, nhưng chị vẫn mong anh một lần nhìn thấy, chạm được vào những yếu đuối, cô đơn trong lòng chị. Đôi khi chị nghĩ, giá anh hỏi thăm thường xuyên hơn về sức khỏe của ba, việc học hành của con gái hay dăm ba chuyện vặt, không biết chị sẽ vui đến thế nào? Đàn bà mạnh mẽ, giỏi giang đến mấy cũng cần sự chia sẻ và thèm được nghe những lời động viên, khích lệ. Sức mạnh của nó, có thể giúp chị nhẹ đi nỗi ám ảnh của cái đêm chị quýnh quáng một mình ôm con đến bệnh viện vì chứng viêm đường ruột; xóa đi cảm giác sợ hãi tột cùng vào cái ngày chị thấy đau tức nơi vùng ngực; may đi khám, bác sĩ nói chỉ do dây thần kinh liên sườn bị chèn. Hoặc, những lo lắng, thắc thỏm mơ hồ bởi tính hay suy diễn của đàn bà có chồng ở xa khiến chị mất ngủ. Cũng lắm khi, chỉ đơn giản là chị cần ai đó để nói chuyện…
Em gái chị lấy chồng, một Việt kiều, đang hoàn tất thủ tục để sang Mỹ định cư. Nhà của ba mẹ giờ đã cũ, chị bàn tính, đợi em gái xuất ngoại, sẽ bán nhà đi; sau đó đưa ba mẹ về căn nhà cũ của vợ chồng chị, đang bỏ không. Mẹ chị không muốn, nói: “Mẹ ở đâu quen đấy. Tai mắt đã kèm nhèm, mọi di chuyển đều theo thói quen. Hơn nữa, nhà bây được chiều cao chứ không có chiều rộng, mẹ về bên đó không leo nổi cầu thang, đi thì đụng trước trúng sau”. Chị suy nghĩ, cuối cùng quyết định bán nhà mình, lấy tiền về sửa sang nhà của mẹ. Chị hỏi ý kiến, được chồng đồng ý nên treo biển bán nhà.
Hôm cùng con gái đến ngôi nhà bỏ không để lau chùi, quét dọn, chị nghe lỏm được cuộc trò chuyện giữa người hàng xóm với một phụ nữ lạ. Giọng hàng xóm: “Ừ, nhà bán đó, cô muốn mua thì gọi cho số điện thoại ghi trên biển bán đi”. Người phụ nữ ái ngại: “Mua nhà cũ nên cháu muốn tìm hiểu thêm một chút, nhà đó có… vấn đề gì không? Chủ có ở, cho thuê hay có từng xảy ra chuyện gì trong nhà không”. “Có gì đâu. Nhà vắng chủ vì chủ ở nơi khác. Lâu lâu, thấy cô vợ có đến thăm, dọn dẹp”. Người phụ nữ lại hỏi thêm: “Chỉ cô vợ thôi hả bác, không có chồng sao?”. “Chồng đi vắng, ít về lắm. Tôi chỉ biết vậy, cô muốn kỹ hơn thì điện cho cô ấy”.
Cuộc trò chuyện chỉ vậy mà chị thấy nặng lòng. Mở cửa bước vào căn phòng riêng của vợ chồng dạo trước, thiếu hơi người nên cái mùi hoang lạnh xộc vào mũi chị. Không dưng, chị chảy nước mắt. Nhà vắng chủ, vợ vắng chồng, mùi nồng ấm, hạnh phúc còn đâu nữa!