Hợp tác quân sự Mỹ-Philippines |
Tuyên bố chung Mỹ-Philippines viết: "Hai bên mong đợi có quan hệ đối tác an ninh song phương cân bằng, cùng có lợi… thông qua sự hiện diện luân tạm thời gia tăng của quân đội Mỹ tại các căn cứ do quân đội Philippines (AFP) điều hành”.
Tuyên bố trên có chữ ký của Tổng tham mưu trưởng AFP, tướng Emmanuel Bautista, và tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói rằng Hiệp ước Quốc phòng 1951 là nền tảng của mối quan hệ Philippines-Mỹ, một mối quan hệ cần được hiện đại hóa để giải quyết các thách thức an ninh chung.
Tuyên bố do Đại sứ quán Philippines tại Washington công bố ngày 24/8 cho biết Mỹ và Philippines giải quyết được những thách thức song phương hiện thời và thông qua các tổ chức đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) "để bảo vệ lợi ích của tất cả các bên bằng việc bảo vệ tự do hàng hải, trong khi răn đe những bên muốn hạn chế tự do hàng hải hoặc có hành động đe dọa”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ đến thăm Manila vào ngày 29/8 và dự kiến sẽ gặp với Tổng thống Aquino cùng các quan chức cao cấp bàn luận về cuộc đàm phán hiện nay giữa hai nước tiến tới một thỏa thuận khung mà sẽ cho phép quân đội Mỹ hoạt động tại các căn cứ quân sự trong lãnh thổ và vùng biển của Philippines.
Chuyến thăm Philippines của ông Hagel nằm trong chuyến công du 4 quốc gia Đông Nam Á.
Tuyên bố 600 từ Bautista-Dempsey không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay Biển Đông, mà chỉ viết Philippines và Mỹ chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải, thương mại và vận chuyển hàng hóa không bị cản trở trên biển.
Tuyên bố trên viết: "Hai bên cam kết tôn trọng các nguyên tắc trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và có cách tiếp cận dựa trên luật lệ trong việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền biển bằng các biện pháp tiện hòa bình, theo luật pháp quốc tế bao gồm cả những gì mà Luật Biển quy định… Sau 60 năm, Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau Mỹ-Philippines sẽ tiếp tục được tăng cường và mở rộng trong thế kỷ 21”.